Ông Donald Trump: Đàm phán hòa bình Nga-Ukraine tiến triểnChiến sự Nga-Ukraine tối 24/2: Ukraine hứng 'bão' UAV xuyên đêmTổng thống Donald Trump bất ngờ muốn Nga tái gia nhập G7 |
[WIDGET_VIDEO:::14136]
Moscow-Kiev đạt thỏa thuận sơ tán tại Kursk
Theo hãng thông tấn TASS của Nga, ngày 24/2, trong một động thái mới nhằm giảm căng thẳng tại khu vực biên giới, Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận về việc sơ tán người dân khỏi tỉnh Kursk thông qua Belarus đến các khu vực khác thuộc lãnh thổ Nga. Thỏa thuận này có sự phối hợp của Hội Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) nhằm đảm bảo quá trình di chuyển diễn ra an toàn và có tổ chức.
Theo Ủy viên Nhân quyền Nga Tatyana Moskalkova, việc di tản đã được thống nhất với phía Ukraine và tổ chức nhân đạo quốc tế. Đại diện của ICRC, ông Pat Griffiths, khẳng định, tổ chức này sẵn sàng hỗ trợ hoạt động trên cơ sở hai bên đạt được đồng thuận đầy đủ về các điều kiện thực hiện.
![]() |
Ủy viên Nhân quyền Nga Tatyana Moskalkova. Ảnh: TASS |
Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh giao tranh tại khu vực Kursk đã có nhiều thay đổi quan trọng. Từ tháng 8/2024, Ukraine tiến hành các hoạt động quân sự tại tỉnh này, kiểm soát một số khu vực nhất định. Tuy nhiên, với các chiến dịch phản công mạnh mẽ, Nga đã giành lại hơn 800km2 lãnh thổ tính đến giữa tháng 2/2025.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây đã đưa ra tuyên bố về khả năng sử dụng quyền kiểm soát tại Kursk như một yếu tố trong đàm phán với Moscow. Ông nhấn mạnh rằng, ưu tiên hàng đầu của Kiev là đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời mở ra cơ hội thảo luận các bước đi thực tế nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột.
Với những diễn biến mới này, giới quan sát nhận định, thỏa thuận sơ tán tại Kursk có thể là tiền đề cho các cuộc đối thoại rộng hơn giữa hai nước. Các nhà ngoại giao kỳ vọng rằng, nếu tiếp tục có những bước đi thiện chí từ cả hai phía, cánh cửa cho một giải pháp hòa bình có thể dần được mở ra.
Ông Putin nói ông Zelensky khó trở lại ghế Tổng thống
Theo Đài RT của Nga, ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra những nhận định về tình hình chính trị Ukraine, đặc biệt liên quan đến khả năng tổ chức bầu cử và các điều kiện để tiến hành đàm phán hòa bình. Ông cho rằng, nếu Ukraine tổ chức bầu cử tổng thống, đương kim Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc tái đắc cử.
![]() |
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS |
Theo nhà lãnh đạo Nga, hiện nay bầu cử tại Ukraine chưa thể diễn ra do tình trạng thiết quân luật. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, nếu các cuộc đàm phán hòa bình được xúc tiến, việc dỡ bỏ thiết quân luật có thể tạo điều kiện để bầu cử diễn ra. Ông cũng đánh giá, cựu Tổng tư lệnh Ukraine Valerii Zaluzhnyi là một nhân vật có khả năng thu hút sự ủng hộ đáng kể trong chính trường Ukraine.
Về tình hình chiến sự, ông Putin nhận định, một số quyết định gần đây trong nội bộ quân đội Ukraine có thể làm gia tăng khó khăn cho lực lượng này trên thực địa. Đồng thời, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò châu Âu trong tiến trình đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài. Tuy nhiên, theo ông, sự tham gia của châu Âu nên dựa trên các nguyên tắc đối thoại công bằng và thực tế.
Tổng thống Trump sẽ kết thúc xung đột Nga-Ukraine trong vài tuần?
Theo tờ The New York Times của Mỹ, ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể chấm dứt “trong vòng vài tuần”, đồng thời tiết lộ khả năng lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu sẽ được triển khai tại Ukraine như một phần của thỏa thuận hòa bình. Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán quốc tế về giải pháp cho cuộc xung đột vẫn đang tiếp tục.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 13/2. Ảnh: The New York Times |
Trả lời câu hỏi từ báo giới về việc Ukraine có nên sẵn sàng nhượng lãnh thổ để đạt được một thỏa thuận hòa bình hay không, ông Donald Trump cho rằng cần theo dõi tình hình sát sao vì các cuộc thương lượng vẫn ở giai đoạn sơ khởi.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, Moscow vẫn chưa nắm rõ kế hoạch hòa bình mà Mỹ đề xuất trong cuộc họp giữa phái đoàn hai nước tại Saudi Arabia vào tuần trước. Dù vậy, ông ghi nhận rằng, Washington thể hiện mong muốn đẩy nhanh tiến trình hòa bình và đạt được lệnh ngừng bắn trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, phía Nga cũng tỏ ra thận trọng, nhấn mạnh rằng một lệnh ngừng bắn tạm thời nếu không có giải pháp toàn diện sẽ không thể ngăn chặn xung đột tái bùng phát, thậm chí có thể khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Ông Ryabkov nhắc lại đề xuất hòa bình mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra vào tháng 6/2024, trong đó Moscow yêu cầu Ukraine rút quân khỏi các khu vực Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia. Đồng thời, Nga cũng muốn Kiev cam kết không gia nhập NATO hoặc bất kỳ liên minh quân sự phương Tây nào khác.
Nga tăng tốc chạy đua vũ khí: 3.000 tên lửa sẽ xuất xưởng trong năm 2025
Theo Đài RBC của Ukraine, ngày 24/2, phát biểu tại Diễn đàn Ukraine năm 2025, ông Oleh Ivashchenko - người đứng đầu Cơ quan Tình báo đối ngoại Ukraine - cho biết, Nga có kế hoạch sản xuất khoảng 3.000 tên lửa tầm xa vào năm 2025. Theo ông, trong năm nay, Nga cũng dự định sản xuất 7 triệu quả đạn pháo và mìn cỡ lớn.
“Về vấn đề này, Nga đang sản xuất rất nhiều và tốc độ nhanh hơn đáng kể so với tất cả các nước châu Âu cộng lại. Số lượng tên lửa tầm xa dự kiến đạt khoảng 3.000 trong năm nay”, ông Oleh Ivashchenko nhấn mạnh.
Trước đó, truyền thông Ukraine đưa tin, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào Ukraine, sử dụng các linh kiện do nước ngoài để sản xuất vũ khí. Ngoài ra, Nga bắt đầu phát triển một tên lửa mới cho hệ thống tên lửa chống tăng Kornet. Vũ khí mới có nhiều đặc điểm giống với tên lửa chống tăng có điều khiển Korsar (ATGM) của Ukraine.