![]() |
Toàn cảnh diễn đàn |
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh cho biết: Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi như: Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc; Áp sàn dư nợ tín dụng nông nghiệp tối thiểu 20%, nhưng tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp nông thôn vẫn rất thấp. Cụ thể: Tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn tính đến tháng 6/2016 đạt 886 nghìn tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ nền kinh tế; 38% hộ nông lâm thủy sản có vay tín dụng nhưng chỉ 1/3 được vay vốn ngân hàng; 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được vốn vay. Nguyên nhân là do, rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp cao nhưng lợi nhận từ sản xuất nông nghiệp thấp, bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, manh mún nên các ngân hàng ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Chia sẻ về những hạn chế tín dụng nông nghiệp nông thôn thời gian qua, ông Lê Đức Thịnh cho hay, hiện vẫn chưa hình thành được hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó, các sản phẩm tín dụng cung ứng của các tổ chức tín dụng còn đơn điệu, chủ yếu cho vay theo món, cho vay hạn mức, cho vay lưu vụ, cho vay thu mua nông sản… cho vay theo tổ nhóm, và hợp tác xã còn hạn chế. Năm 2015 cả nước chỉ có 0,67% hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ vay vốn tín dụng, và cũng chỉ có 2,25% hợp tác xã nông nghiệp được tiếp cận với Quỹ hỗ trợ hợp tác xã. Cho vay theo chuỗi chưa phát huy hiệu quả, chỉ mới tập trung vào doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, Thông tư số 15/VBHN-NHNN về tín dụng nội bộ hợp tác xã quy định mức lãi suất áp dụng đối với khoản nợ vay quá hạn tối đa bằng 150% lãi suất cho vay ghi trong hợp đồng tín dụng, quy định trên làm hạn chế sự phát triển của khu vực này. Bên cạnh đó, việc quy định thời hạn vay vốn hiện nay không phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, các tổ chức tín dụng thường đưa ra các thời hạn vay cứng là 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng và 36 tháng và vẫn chủ yếu cung cấp tín dụng ngắn hạn, trong khi chăn nuôi, trồng trọt của các hợp tác xã, hộ nông dân lại theo mùa vụ. Hạn mức cho vay của các ngân hàng cũng chưa phù hợp với từng đối tượng cây trồng vật nuôi, như Chương trình cho vay tái canh cà phê theo Văn bản 3227/NHNN-TD ngày 11/5/2015 của Ngân hàng Nhà nước chỉ cho vay tối đa 150 triệu đồng/ha, trong khi nhu cầu tối thiểu phải 200 triệu đồng/ha… Các vấn đề liên quan đến tài sản thế chấp, thủ tục vay cũng đang là rào cản của các hợp tác xã, hộ nông dân trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng.
Để hợp tác xã, hộ nông dân có thể tiếp cận gần hơn với nguồn vốn vay, nhiều ý kiến đề xuất sửa Thông tư 15/VBHN-NHNN theo hướng điều chỉnh linh hoạt mức lãi suất tín dụng phi chính thức, đảm bảo luôn cao hơn 2-3 lần mức lãi suất thương mại trung bình. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu cung cấp các khoản vốn vay kịp thời, linh hoạt, phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của từng loại sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời kiến nghị các ngân hàng cần xem xét các điều kiện khác có thể đảm bảo thế chấp để vay vốn như tài sản trên đất (nhà xưởng), tài sản hình thành từ vốn vay….