Chất lượng điện và hạ tầng lưới điện nông thôn Nghệ An còn nhiều bất cập

Chiều ngày 19/7, các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An chất vấn đại diện Sở Công Thương về các vấn đề liên quan đến chất lượng điện và hạ tầng lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh.
\"chat
Chất vấn tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh NghệAn

Thời gian qua, Nghệ An đã thực hiện khá tốt việc bàn giao lưới điện cho ngành điện lực quản lý. Thế nhưng vấn đề giá điện, chất lượng điện, an toàn lưới điện nông thôn, việc hoàn trả tiền lưới điện hạ áp nông thôn còn chậm...vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân.

Việc bàn giao lưới điện nông thôn đã được triển khai nhưng nhiều nơi chưa được hoàn trả vốn hoặc xảy ra tình trạng ngành điện mượn hạ tầng, tài sản của các cơ sở quản lý cũ nhưng chưa định giá tài sản để tiếp nhận hoặc hoàn trả. Bên cạnh chất lượng điện chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, giá điện tại các chung cư, khu đô thị còn cao cũng là mối quan tâm của nhiều cử tri và các đại biểu.

Nghệ An là địa bàn có nhiều nhà máy thủy điện đang hoạt động nhưng mục tiêu đến năm 2020 tất cả người dân nông thôn, miền núi, hải đảo có điện sinh hoạt vẫn khó khả thi. Đến thời điểm hiện tại Nghệ An đang còn 233 thôn, bản chưa có điện.

Ngành điện lực chưa theo kịp quá trình xây dựng nông thôn mới. Việc mở rộng, bê tông hóa đường giao thông nông thôn đã xảy ra tình huống dở khóc dở cười khi cột điện bỗng nhiên chình ình ngay giữa đường, gây cản trở, mất an toàn giao thông.

Đại diện ngành điện lực thừa nhận có những tồn tại như cử tri và các đại biểu phản ánh. Ngành điện lực và các cơ quan liên quan đang nỗ lực từng bước khắc phục nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Ông Trịnh Phương Trâm – Giám đốc Điện lực Nghệ An cho rằng việc bàn giao lưới điện nông thôn, điện ở các chung cư, khu đô thị mới cho ngành điện quản lý sẽ có hiệu quả hơn, giảm thất thoát điện và do người dân được mua điện tại gia nên sẽ có giá rẻ hơn. Ngành điện lực tập trung, tìm kiếm nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp lưới điện, vận hành và quản lý.

Hiện ngành điện lực đã cải tạo, nâng cấp được trên 8.000 km sau khi tiếp nhận bàn giao; còn khoảng 3.000 km chưa cải tạo, ngành điện đang tìm vốn để tiếp tục cải tạo, nâng cấp. Trước mắt ngành điện dắm các trạm hạ thế ở chưa có điều kiện cải tạo để nâng cấp chất lượng điện.Về di dời cột điện trong hành lang ATGT, các địa phương cần phối hợp với ngành điện để di dời.

\"chat
Ông Trịnh Phương Trâm - Giám đốc Điện lực Nghệ An giải trình tại phiên chất vấn

Về giá điện, Giám đốc điện lực cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có 950.000 khách hàng có hợp đồng trực tiếp với Công ty Điện lực, áp dụng theo giá Nhà nước. Còn giá bất cập là do các khu chung cư, tập thể, nhà trọ, nông trường... là do các chủ đầu tư mua điện của Công ty Điện lực bán lại với giá cao hơn, bởi khi họ tính toán giá bán điện, họ tính toán cả chi phí vận hành, hao phí. Để khắc phục triệt để thì cần chuyển giao tài sản cho ngành Điện, ngành Điện trực tiếp quản lý.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu Ngô Thị Thu Hiền (TP. Vinh), Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc), Lang Thị Hoài (Tân Kỳ) và nhiều đại biểu khác có nêu ý kiến về vấn đề chậm hoàn trả tiền lưới điện hạ áp, chất lượng điện ở một số địa bàn còn thấp, cột điện nằm trên lòng đường chậm di dời, giá điện ở các khu đô thị, chung cư cao,.... những vấn đề này đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng, ngành Điện hứa mãi mà vẫn không giải quyết. Đại biểu Hoàng Thanh Bình (TP. Vinh) cho rằng trong những tháng vừa qua, công nhân ngành Điện đọc, ghi công tơ lệch ngày, nên dẫn đến làm tăng giá điện theo lũy kế, gây thiệt thòi cho người dùng điện.

\"chat
Đại biểu Đinh Thị An Phong chất vấn về vấn đề chậm hoàn trả tiền lưới điện hạ áp nông thôn.

Vấn đề đại biểu nêu, ông Hoàng Văn Tám – Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Việc lưới điện nông thôn xuống cấp, điện yếu, chậm khắc phục, chúng tôi đã phối hợp xây dựng phương án, lộ trình để báo cáo với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc để bố trí vốn xử lý. Về thay thế cột điện trong hành lang an toàn giao thông, trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đề nghị các chủ dự án trao đổi thống nhất với Điện lực để có phương án di dời kịp thời, tránh gây mất an toàn. Về việc hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn, Sở Công Thương đang phối hợp với ngành Điện cố gắng tháo gỡ những vướng mắc trong việc lập hồ sơ hoàn trả theo Thông tư 32...

\"chat
Ông Hoàng Văn Tám- GĐ sở Công Thương Nghệ An trả lời phiên chất vấn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền cho biết tỉnh đã đề xuất với ngành điện lực và Bộ Công Thương để quản lý điện theo địa giới hành chính để quản lý tốt hơn. Về giá trị hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn hiện nay Nghệ An còn khoảng hơn 31 tỷ đồng. Tỉnh cũng để xuất Tập đoàn Điện lực quản lý lưới điện theo địa giới hành chính, để thuận lợi hơn. Đồng thời cũng đã có văn bản chỉ đạo các dự án đô thị, chung cư bàn giao cho ngành Điện quản lý và bán điện. Trong quá trình bàn giao rất khó khăn, thậm chí có nơi không muốn bàn giao nhưng tỉnh chỉ đạo làm quyết liệt, đến nay cả tỉnh còn 2 địa phương là Nghi Liên (TP. Vinh), Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) còn vướng mắc về hồ sơ nhưng cơ bản đã thống nhất.

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị ngành Điện quan tâm, chăm sóc khách hàng dùng điện ngày càng tốt hơn. Việc hoàn trả lưới điện cần phải xác lập rõ tiền quyên góp đầu tư; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc Thông tư 32, phần hồ sơ được vận dụng phải tập trung hoàn thành trước 30/7/2018 để trình Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giải quyết.

Về an toàn hành lang lưới điện, còn nhiều vấn đề: cấp đất vi phạm hành lang an toàn lưới điện, hàng quán dưới đường điện,... cần xem xét trách nhiệm của cán bộ địa phương, để chấn chỉnh. Ở những nơi cử tri có ý kiến về giá điện cao đề nghị chính quyền các nơi và ngành Điện kiểm tra để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tránh để trục lợi bất chính.

Hiện tại lưới điện nông thôn tiếp nhận đã cải tạo được trên 8.000 km, còn lại khoảng 3.000 km chưa cải tạo, thời gian tới Điện lực Nghệ An sẽ tìm nguồn vốn cải tạo nhanh nhất, sớm nhất. Năm nay nguồn vốn cũng khó khăn và việc đầu tư cải tạo chỉ bằng 25% năm 2017. Trước mắt dắm vào các trạm hạ thế (năm nay dắm được 30 trạm hạ thế) để nâng cấp chất lượng điện. Đến nay, ngành Điện đã đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng cho lưới hạ áp nông thôn. Xây dựng hơn 1.600 trạm biến áp, cải tạo 8.640/10.500 km lưới điện hạ áp nông thôn tiếp nhận.
Hoàng Trinh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận