Cây sắn mang Tết đủ đầy, ấm no về Mường Lát

Được mệnh danh là 'thủ phủ sắn' của tỉnh Thanh Hóa, cây sắn tại huyện Mường Lát đã mang đến cho người dân nơi đây những cái Tết đủ đầy, ấm no.
Thanh Hóa: Ấm áp những gian hàng 0 đồng dành cho người nghèo ở vùng biênThanh Hóa: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện tốt việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèoThanh Hóa khởi công dự án thủy điện 420 tỷ đồng

Hướng đi mới mang lại kết quả tích cực

Mường Lát, một huyện vùng cao thuộc tỉnh Thanh Hóa được mệnh danh là 'thủ phủ sắn' của khu vực miền núi phía Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Những năm gần đây, nhờ đổi hướng đi mới từ cây sắn và những chuyển biến tích cực trong kỹ thuật canh tác, giá thị trường ổn định, đặc biệt nhất là sự quan tâm của các cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp mà người dân ở đây đã có những mùa sắn bội thu.

cây sắn huyện mường lát
Cây sắn đã phủ xanh đồi trọc, giúp bà con huyện biên giới Mường Lát thoát nghèo

Ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát chia sẻ, thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; UBND huyện đã phối hợp với Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh triển khai trồng sắn xen canh với đất rừng sản xuất tại các xã Trung Lý, Mường Lý, Pù Nhi và Tam Chung.

Để người dân nắm kỹ thuật trong chăm sóc, huyện đã cử cán bộ cùng với công ty xuống các địa phương để hướng dẫn quy trình trồng và thu hoạch, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh (tại huyện Ngọc Lặc) nhận bao tiêu sản phẩm đầu ra nên người dân rất yên tâm sản xuất. Qua hai năm triển khai, hiện diện tích trồng sắn trên địa bàn huyện đạt hơn 3.000ha, năng suất ước đạt 180 tạ/ha, sản lượng ước đạt 54.000 tấn, với giá sắn hiện tại toàn huyện đạt trên 100 tỷ đồng.

cây sắn huyện mường lát
Hiện nay đang vào mùa thu hoạch sắn tại huyện Mường Lát

Ông Hà Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lý cho biết, vụ sắn năm nay được bà con xuống giống trồng từ tháng 2, tháng 3 và hiện đang vào mùa thu hoạch. Theo ông Tuấn, Mường Lý là xã trồng nhiều sắn nhất tại huyện Mường Lát với gần 1.000 ha, trong đó, có khoảng 400ha trồng sắn chất lượng cao.

Đổi đời vì cây sắn, anh Thào A Pao, bản Xa Lung, xã Mường Lý cho biết, trước đây gia đình anh trồng cây xoan theo Dự án 147 nhưng không hiệu quả. Năm 2023, được chính quyền địa phương vận động trồng cây sắn, gia đình anh thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, qua hai năm triển khai trồng sắn trên đồi đất dốc, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cây sắn sinh trưởng và phát triển khá tốt.

Đến mùa thu hoạch, công ty thu mua đầu ra ổn định nên gia đình anh yên tâm mở rộng diện tích để phát triển kinh tế. Sau hai năm trồng sắn, gia đình anh cũng tích góp được ít tiền, hiện đang có dự định sửa sang lại nhà cửa để ổn định cuộc sống.

Tết đủ đầy, ấm no nhờ cây sắn

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát chia sẻ, cây sắn là loại cây rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương nên đã dần thay thế một số cây trồng ngắn ngày khác. Khi bà con tiến hành trồng đồng loạt đã tạo hiệu ứng để sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, cũng có một doanh nghiệp đứng ra cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu với các hộ gia đình nên cây sắn đã mang liệu hiệu quả tích cực về phát triển kinh tế.

“Cây sắn hiện cũng là một nguồn thu nhập lớn cho bà con ngoài chăn nuôi, trồng các loại cây khác và hoạt động các mô hình kinh tế khác. Đặc biệt trong dịp Tết đang đến gần, cây sắn đã mang lại thu nhập, góp phần lớn trong việc bà con sẽ có một cái Tết đủ đầy, ấm no”, ông Ca chia sẻ.

cây sắn huyện mường lát
Những cây sắn đạt chất lượng sẽ được người dân thu hoạch và bán cho thương lái

Cũng theo ông Ca, diện tích cây sắn hiện khoảng 3.000ha, đây đang vào vụ thu hoạch, bà con đã thu hoạch được khoảng 50%; tuy nhiên do ảnh hưởng của giá cả thế giới và trong nước nên giá sắn hiện đang xuống nên có một số ít bà con dừng thu hoạch để chờ cuối vụ, giá sắn sẽ lên.

Ngoài ra, do nhà máy sắn tinh bột sắn Phúc Thịnh chỉ hợp đồng, ký kết bao tiêu khoảng 50% sản lượng; còn lại phụ thuộc vào các đơn vị khác. “Huyện cũng đang phối hợp với các đơn vị thu mua để cam kết với bà con để bao tiêu sản phẩm giúp bà con, đảm bảo bà con yên tâm trồng sắn”, ông Ca nói.

cây sắn huyện mường lát
Nhờ vào cây sắn, bà con nơi đây đã có những cái Tết ấm no, đủ đầy

Với những hiệu quả kinh tế mà cây sắn mang lại, có thể khẳng định cây sắn đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho huyện Mường Lát, huyện biên giới còn khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, diện tích trồng sắn tại địa phương đã không ngừng mở rộng, góp phần cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là các hộ gia đình dân tộc thiểu số.

Sắn không chỉ là nguồn lương thực quan trọng mà còn là nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp chế biến bột và sản xuất ethanol. Các doanh nghiệp chế biến bột sắn đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân, đảm bảo đầu ra ổn định, tờ đó bà con yên tâm sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thu nhập từ cây sắn cũng đã giúp nhiều hộ dân ở Mường Lát thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với kỳ vọng xây dựng và phát triển huyện Mường Lát nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách so với bình quân khu vực miền núi của tỉnh, ngày 29/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem như một luồng gió mới để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện biên giới Mường Lát khai thác tiềm năng, lợi thế, mở ra một bức tranh tươi sáng cho vùng đất xa xôi nhất tỉnh Thanh.
Bài và ảnh: Quốc Huy
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận