![]() |
Điện giúp bà con mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế |
Nhiều bản vẫn mong mỏi có điện
Chủ tịch xã Trung Sơn - Đinh Xuân Diện cho biết, Trung Sơn (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của không chỉ Thanh Hóa mà của cả nước. Cả xã có 756 hộ với 2.997 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc, sinh sống ở 7 thôn bản. Nhờ có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và ngành điện, đến nay chỉ còn duy nhất 1 bản chưa có điện lưới quốc gia đó là bản Pượn.
Bản Pượn có 40 hộ dân người Mường và Thái sinh sống, cách trụ sở UBND xã Trung Sơn khoảng 6 km nhưng để di chuyển rất khó khăn, nhất là khi trời mưa vì bản ở trên cao, hơn nữa con đường dẫn vào bản vẫn là đường đất.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Vi Thành Thoa - Phó Bí thư Đảng ủy xã, đồng thời cũng là dân bản Pượn chia sẻ, cuộc sống kinh tế của người dân phụ thuộc chủ yếu vào trồng ngô, sắn, lúa nước và chăn nuôi nhỏ lẻ nên đa phần vẫn nghèo. Dẫu vậy, nhưng không quá khó khăn, thiếu đói. Do không có điện nhưng bản có nguồn nước suối dồi dào nên mấy nhà chung nhau lắp mô tơ điện mini để dùng, tuy nhiên cũng chỉ để thắp sáng phục vụ sinh hoạt, nhà nào có ắc quy thì tích trữ điện để xem tivi. Còn lại các máy móc phục vụ nông nghiệp, dịch vụ say xát đều dùng dầu diesel.
Cũng theo ông Thoa, bản Pượn nằm gần với bản Lác - Mai Châu (Hòa Bình), có khí hậu trong lành, đất đai phì nhiêu, phù hợp với nhiều loại cây ăn quả như cây đào, vải, cam, quýt, bưởi... Nếu có điện lưới quốc gia sẽ giúp ích cho người dân rất nhiều trong việc sản xuất nông nghiệp và làm dịch vụ du lịch. Đây cũng là mong mỏi của người dân trong bản từ bấy lâu nay. “Chúng tôi đã được thông báo kế hoạch là năm 2017, ngành điện Thanh Hóa sẽ đầu tư cấp điện lưới cho bản nên ai cũng thấy mừng” - ông Thoa bộc bạch.
Tin vui cho đồng bào
Báo cáo của Công ty Điện lực Thanh Hóa cho thấy, tính đến thời điểm này, 100% số huyện và xã đã có điện lưới quốc gia. Tuy nhiên vẫn còn khoảng hơn 100 thôn bản thuộc 10 huyện miền núi chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, trong đó có bản Pượn.
Trên thực tế, trong thời gian qua, nhằm thực hiện Quyết định số 2801/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020”, với mục tiêu đến năm 2020, bảo đảm 100% hộ được sử dụng điện, UBND tỉnh Thanh Hóa cùng ngành điện đã tích cực triển khai dự án cấp điện nông thôn đưa điện lưới đến đồng bào sinh sống ở các thôn, bản chưa có điện với kế hoạch đầu tư 275,5km đường dây trung thế, 318,6km đường dây hạ thế, 122 trạm biến áp và 9.638 công tơ. Tổng mức đầu tư thực hiện toàn bộ dự án 711,124 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương cấp 85%, ngân sách địa phương đối ứng 15%.
Mặc dù còn khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nhưng mới đây Chính phủ đã ra Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo với nguồn vốn thực hiện là 30.186 tỷ đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa chương trình cấp điện cho đồng bào ở các nơi chưa có điện lưới vào chương trình mục tiêu quốc gia là một tin vui với nhiều người dân vì nó khẳng định tính ưu việt của chế độ cùng quyết tâm của Chính phủ mới trong việc phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh, công bằng và tiến bộ xã hội. Và sẽ không còn lâu nữa, những hộ dân ở bản Pượn, xã Trung Sơn cũng như hàng nghìn thôn sẽ được đón dòng điện lưới quốc gia để phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống văn hóa, vật chất tinh thần của mình.