Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - mô tả, cơ hội lớn nhất từ CPTPP với Việt Nam không phải là việc mở rộng thị trường mà là cải cách thể chế.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý nghiên cứu kinh tế trung ương - chia sẻ quan điểm cho rằng, cải cách thể chế đúng là ưu tiên số một nếu Việt Nam muốn tận dụng cơ hội từ CPTPP.
![]() |
Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận CPTPP |
Theo vị chuyên gia này, cải cách thể chế của Việt Nam phải thực sự chạm tới những yếu kém cố hữu lâu nay để tạo dựng bộ máy nhà nước theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch hơn, có tính giải trình cao. \"Cùng với đó, chất thị trường ở Việt Nam phải hiện đại và đầy đủ để hội nhập tốt hơn trong CPTPP\" - ông Võ Trí Thành nói.
Các chuyên gia nêu ví dụ cho việc áp lực ngay trước mặt về thể chế của CPTPP. Đó là việc kể từ nay, các nhà đầu tư về cổ phiếu, bất động sản, cổ phần, FDI... của công dân các nước thành viên CPTPP gồm Canada, Australia, New Zealand, cNhật Bản, Singapore và Mexico tại Việt Nam đều được hiệp định này bảo đảm. Các tranh chấp giữa các doanh nghiệp này sẽ được giải quyết theo các cam kết trong hiệp định. Nếu vi phạm các cam kết thì được xem xét bởi tòa án độc lập. Thậm chí nhà đầu tư có quyền kiện các cơ quan của Chính phủ nếu như họ xét thấy cần làm điều đó. Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội đã ưu tiên lựa chọn những dự án luật để nội luật hóa các quy định trong CPTPP nói riêng và các FTA nói chung. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định danh mục 8 dự án Luật phải làm để thực hiện CPTPP.
\"Nhìn chung, hệ thống văn bản pháp luật hiện hành không có gì vướng mắc cho việc thực hiện CPTPP. Chúng ta cần có thời gian để chuẩn bị cho việc thực hiện các cam kết về lao động, sở hữu trí tuệ… nhưng cũng không quá quan ngại, vì CPTPP xác định lộ trình thực hiện 3 - 5 năm\" - ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - thông tin.
Ông Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm, rút kinh nghiệm từ WTO, điều quan trọng bây giờ là việc thông tin tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp hiểu được nội hàm, các nội dung, các quy định của CPTPP để tự chuẩn bị cho chính mình.
Được biết, Bộ Công Thương đang phối hợp với Sứ quán Australia tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới xây dựng Cổng Thông tin thương mại điện tử giới thiệu về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia (trong đó có CPTPP) với những công cụ tra cứu về các cam kết và quy định cụ thể trong từng lĩnh vực, ngành hàng đối với từng đối tác tham gia hiệp định. Dự kiến, Cổng thông tin này sẽ sớm được giới thiệu và vận hành chính thức trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương trong thời gian tới.
Sau khi các nước đã thống nhất toàn bộ nội dung đàm phán và hoàn tất quá trình rà soát pháp lý, Bộ Công Thương đã kịp thời công bố toàn văn Hiệp định (bản dịch tiếng Việt) lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ để tạo điều kiện cho công chúng và cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận nội dung của hiệp định này. |