Các cấp chính quyền ở Gia Lai phải phấn đấu trở thành chính quyền đối thoại!

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016 tổ chức sáng 18/12 tại thành phố Plei ku,

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai  - khẳng định: \"Gia Lai luôn xem thành công của nhà đầu tư, doanh nghiệp là thành công của tỉnh. Bên cạnh việc mời gọi, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương luôn lắng nghe, sẵn sàng tham gia định hướng, hỗ trợ tích cực, hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư. Bất cứ thắc mắc nào về thủ tục đầu tư, về các chính sách có liên quan đến môi trường đầu tư, chúng tôi sẽ hướng dẫn và giải quyết một cách nhanh chóng nhất\".

Ông Võ Ngọc Thành cho biết thêm, tỉnh cũng sẽ chú trọng việc thực hiện cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chính sách. Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực sự làm việc có trách nhiệm, chuyên nghiệp, thực sự gần gũi, lắng nghe và giải quyết các yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư...

\"\"
Thú tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo  Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Quang Thu - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đánh giá, Gia Lai đã cơ bản trở thành địa phương có trình độ phát triển kinh tế trung bình khá, là một trong ba động lực tăng trưởng kinh tế, là đầu mối giao thương quan trọng kết nối khu vực Tây Nguyên - Nam Trung bộ và tam giác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia. Tuy nhiên, trình độ phát triển của Gia Lai còn chưa tương xứng với tiềm năng, khát vọng của người dân và sự kỳ vọng của cả nước. Mặc dù là tỉnh có diện tích lớn nhất, dân số đứng thứ hai khu vực Tây Nguyên và lớn hơn rất nhiều địa phương trong cả nước, có sân bay hiện đại kết nối đường bay trực tiếp với các trung tâm kinh tế trong cả nước, hạ tầng giao thông - công nghiệp đang được hoàn thiện, nhưng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI chưa được cải thiện nhiều (vị trí năm 2015 là 47/63), đứng ở vị trí rất khiêm tốn trong việc thu hút FDI với 5 dự án quy mô nhỏ và 12 triệu USD tổng vốn đầu tư đăng ký trong các dự án nông nghiệp và chế biến thức phẩm, chưa thực sự thu hút được các doanh nghiệp lớn trong nước đến đầu tư - kinh doanh. Nhìn chung số lượng doanh nghiệp mỏng, quy mô nhỏ, yếu về công nghệ.

Để giải quyết những tồn tại trên, Gia Lai cần có sự đột phá trong tư duy phát triển: Định vị chính xác vị trí, vai trò, các tiềm năng, lợi thế của mình và đặt trong không gian kinh tế mới đang được tạo ra từ quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, từ những cải cách mạnh mẽ trong môi trường đầu tư kinh doanh và quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng. Xây dựng dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, với tầm nhìn dài hạn có tính đột phá - táo bạo, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh cũng như đặc thù riêng. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng những chính sách chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu gắn kết linh hoạt với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030.

\"\"

Hiện tại, Gia Lai cũng đã xây dựng được danh mục kêu gọi xúc tiến đầu tư, nhưng cần quan tâm xây dựng một số dự án “mồi” làm điểm nhấn, thực sự có tiềm năng, có tính khả thi cao, thân thiện hơn với doanh nghiệp để tập trung quảng bá, công khai để có thể thu hút được được nguồn lực đầu tư chất lượng nhất. Nếu thành công trong việc thu hút doanh nghiệp lớn thực sự có uy tín sẽ là một bước nâng cao hình ảnh, thương hiệu của tỉnh. Trên nền tảng cơ bản hình thành chuỗi giá trị và thị trường, cải thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, về trung và dài hạn có thể thu hút nguồn vốn FDI có chất lượng vào các lĩnh vực  nông nghiệp sạch, du lịch và dịch vụ chất lượng cao, năng lượng, thương mại và một số ngành công nghiệp chế tạo. Ngoài ra, là tỉnh miền núi Tây Nguyên, Gia Lai có thể nghiên cứu mô hình đầu tư kết hợp ODA - FDI - nguồn vốn xã hội hóa mà một số tỉnh lân cận là Ninh Thuận, Lâm Đồng đã triển khai khá thành công thời gian qua.

Phát biểu trước 400 nhà đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên những tiềm năng, lợi thế cũng như cơ hội đầu tư vào Gia Lai, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những mặt bất cập, tồn tại của tỉnh.

Trên tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động mạnh mẽ phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong đó có Tây Nguyên, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vùng đất đặc biệt quan trọng này. Về phía địa phương, Thủ tướng cho rằng, Gia Lai cần có một quy hoạch phát triển bền vững, sử dụng thế mạnh, lợi thế đặc thù và liên kết vùng. Đặc biệt, tỉnh cần có chiến lược du lịch tầm cỡ quốc gia, nhận thức rõ phân khúc thị trường khách du lịch. Phải coi nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chế biến, thương hiệu mạnh, công nghệ cao là một thế mạnh, chú ý đẩy mạnh công nghiệp chế biến.

Trong bối cảnh khó khăn chung, nhưng trong 5 năm 2011- 2015, tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả khả quan và đã có bước phát triển mới khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm đạt 7,05%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2016, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, giá một số nông sản xuống thấp nhưng Gia Lai vẫn đạt được mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2016 (theo giá so sánh 2010) tăng 7,48% so với cùng kỳ năm 2015; xuất khẩu đạt trên 400 triệu USD; đã ký kết đầu tư trên 3.500 tỷ đồng. GDP bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 3.541 tỷ đồng, vượt 11,2% dự toán Trung ương giao. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được những kết quả khích lệ, Tại Hội nghị này, theo báo cáo của tỉnh đã có trên 30 dự án được quyết định chủ trương đầu tư và đang xúc tiến triển khai các bước để được quyết định đầu tư với tổng số vốn khoảng trên 20.000 tỷ đồng, đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho tỉnh trong giai đoạn mới.     

Tuy nhiên, Gia Lai chưa có dự án đầu tư FDI nào lớn, chưa xây dựng được các sản phẩm chủ lực, có sức cạnh tranh cao. Số lượng doanh nghiệp còn ít và quá nhỏ. Tiềm năng du lịch nhiều, nhưng chưa có chiến lược khai thác tốt. Tăng trưởng và chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế chưa cao, năng lực cạnh tranh thấp. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; một số mặt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; trật tự an toàn xã hội còn nhiều việc phải khắc phục để phát triển...

Theo Thủ tướng, Gia Lai cần có một quy hoạch phát triển bền vững, sử dụng thế mạnh, lợi thế đặc thù và liên kết vùng. “Các khu kinh tế ở đâu, khu công nghiệp ở đâu để không mâu thuẫn nhau. Cần phát triển cây trồng, khu du lịch nào. Cần làm rõ những vấn đề này” - Thủ tướng đặt vấn đề. Gia Lai cần có nguồn nhân lực tốt, cả về số lượng và chất lượng với tinh thần “4 phương về đây làm việc”, thu  hút người tài, người giàu đến Pleiku sinh sống. Vì thế, cần coi trọng đào tạo, đi liền với đó là đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, giữ gìn văn hóa dân tộc. Bên cạnh phát triển kinh tế, cần quan tâm bảo vệ môi trường sống, bình yên, an ninh an toàn cho người dân, nhà đầu tư.

“Các cấp chính quyền phải phấn đấu trở thành chính quyền đối thoại, có tư duy đổi mới, sáng tạo. Chính quyền từ cấp tỉnh đến huyện, xã phải chủ động, đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” - Thủ tướng nói và lưu ý tránh tình trạng “trên trải thảm đỏ, dưới rải đinh”. Chính quyền phải “3 cùng” với doanh nghiệp. Đó là cùng lo với doanh nghiệp, cùng làm với doanh nghiệp, cùng chia sẻ thất bại và thành công với doanh nghiệp, nhất là chính quyền cấp cơ sở. Chính quyền phải biết động viên, tôn vinh doanh nghiệp làm tốt, dám nghĩ, dám làm. 

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lần thứ 4 này, Gia Lai chú trọng mời gọi các nhà đầu tư đến thực hiện các dự án quan trọng, hấp dẫn, khả năng sinh lời lớn, đi kèm với đòi hỏi tương xứng về tiến bộ khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường. Ông Võ Ngọc Thành tin tưởng, những kết quả từ hội nghị sẽ mang đến cho Gia Lai một một sinh khí mới, một sức mạnh mới, tạo đà cho tỉnh phát triển đồng hành với cả nước.

TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Gia Lai có khát vọng phát triển mạnh mẽ
Hoàng Anh Phượng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận