Bước chuyển mạnh về chất

Đầu tư cho vùng nguyên liệu để chủ động đưa ra thị trường sản phẩm xuất khẩu (XK) có chất lượng; đầu tư cho các dòng sản phẩm đặc thù; đa dạng thị trường… là giải pháp các DN gạo đang thực hiện nhằm hướng tới XK bền vững.

Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó giám đốc kinh doanh lương thực Tập đoàn Lộc Trời - cho biết, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, Tập đoàn Lộc Trời đã sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị, tạo vùng nguyên liệu, xây dựng các cánh đồng lớn ở nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với sự hỗ trợ của lực lượng kỹ sư 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nông dân). Bên cạnh đó, liên kết chặt với các hợp tác xã kiểu mới, kiểm soát chặt quy trình từ khâu trồng trọt trên đồng ruộng đến phân loại lúa khi thu hoạch, chế biến tại nhà máy và XK gạo.

\"buoc
Gian hàng của Tập đoàn Lộc Trời tham gia hội chợ, quảng bá thương hiệu

Ngoài ra, hiện nay, Lộc Trời đang tiên phong trong việc tham gia chương trình của Liên hiệp quốc về quy trình sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế (SRP). Nhờ đó, kết quả XK của Lộc Trời trong 9 tháng năm 2018 chính là bước nhảy vọt cả về số lượng, chất lượng và cân đối thị trường. Về số lượng, Lộc Trời đã tăng hơn 50% lượng hàng XK, kim ngạch cũng tăng cao hơn vì bình quân gạo Lộc Trời đã tăng 5 - 15% về giá XK.

Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Long - chia sẻ, Tân Long đang tập trung vào hướng sản xuất gạo Japonica - giống gạo trước đây phải nhập để XK. Đồng thời, kết hợp với nông dân quản lý giống, sản xuất và thu mua, chế biến để sản phẩm cuối cùng đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu. \"Riêng với giống gạo Japonica, từ năm ngoái đến nay, chúng tôi đã trúng 4 hợp đồng XK sang Hàn Quốc với tổng lượng 151.000 tấn. Giá của các hợp đồng này tương đối khả quan, lên đến 700 USD/tấn, đảm bảo thu mua lúa cho nông dân với giá ngày càng cao\" - ông Bá chia sẻ.

Đa dạng hóa thị trường

Song song với các giải pháp đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, DN XK gạo còn tập trung đa dạng hóa thị trường, đề ra giải pháp mới tiếp cận tốt hơn những thị trường truyền thống.

Đơn cử, Lộc Trời đã đẩy mạnh đưa gạo chất lượng tốt sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, từng bước giảm dần gạo đóng bao 25 hoặc 50 kg, phối hợp với DN bạn đưa ra sản phẩm đóng gói 5 - 10 kg, đưa vào bán ở hệ thống phân phối và trên mạng online ở Trung Quốc. Nhờ đó, trong những tháng đầu năm, lượng gạo XK của Lộc Trời sang Trung Quốc tăng lên, chiếm 50% tổng lượng gạo XK toàn công ty. Song song với đó, Lộc Trời cũng đẩy mạnh XK sang các thị trường Philippines, Trung Đông, châu Phi, Canada, Úc… với định hướng chỉ XK gạo chất lượng cao, độ thuần cao.

Cũng chọn đa dạng hóa thị trường làm mục tiêu phát triển, 8 tháng đầu năm, Tân Long đã XK được 150.000 tấn gạo, tăng so với cùng kỳ trên 60%, tập trung chủ yếu sang các thị trường như Hàn Quốc, Philippines, Malaysia, Trung Quốc… Hàn Quốc chính là thị trường trọng điểm của Tân Long và là thị trường lớn nhất vì Tân Long chủ yếu làm gạo thơm, gạo chất lượng cao.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó giám đốc kinh doanh lương thực Tập đoàn Lộc Trời:

Điều kiện XK khó khăn, các tiêu chuẩn về kỹ thuật ngày càng nhiều, song đó cũng là cơ hội mở ra cho những DN lớn, chịu đầu tư, làm ăn bài bản và khoa học.

Phương Lan
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận