Bộ Công Thương: Doanh nghiệp cần tập trung quản lý chất lượng lúa gạo xuất khẩu

Trước sự vào cuộc chỉ đạo kịp thời, khẩn trương và quyết liệt của Chính phủ, giá lúa gạo đã tăng nhẹ và nhiều đối tác đã đặt vấn đề nhập khẩu trở lại. Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương kêu gọi doanh nghiệp tập trung quản lý chất lượng sản phẩm thay vì chạy theo sản lượng.

Đây là thông tin được các doanh nghiệp chia sẻ tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa diễn ra sáng ngày 26/2, tại Đồng Tháp.

\"bo

Hội nghị này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và tỉnh Đồng Tháp tổ chức nhằm trao đổi, đánh giá tình hình để triển khai các giải pháp thúc đẩy toàn diện sản xuất, xuất khẩu gạo.

Giá lúa năm 2019 khó ở mức cao

Đánh giá tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có nhiều mặt hàng nông sản đứng vị trí hàng đầu về xuất khẩu. Về gạo, Việt Nam luôn nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Công tác phát triển thị trường xuất khẩu gạo đạt được những kết quả tích cực, gạo Việt Nam đã xuất khẩu tới khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm 2019, diện tích lúa trên cả nước là 7,53 triệu ha, năng suất trung bình 58,1 tấn/ha, sản lượng gạo dự kiến đạt 43,8 triệu tấn, tương đương năm 2018, đủ cho nhu cầu trong nước và kế hoạch xuất khẩu.

Về giá, giá lúa vụ Đông Xuân năm nay thấp hơn so với năm 2018. “Chúng ta đã và đang hình thành một ngành lúa gạo của thế giới, tiến bộ rất nhanh. Về góc độ sản xuất, chúng ta đã giữ được giá lúa, nông dân ít nhất cũng lãi 30%. Ví như giống IR50404, đã có 156 doanh nghiệp xuất khẩu được gạo sang 120 nước trên thế giới, trong đó có các thị trường khó như Mỹ, EU, Trung Đông… Chưa năm nào như năm 2018, giá lúa IR50404 nông dân bán được 5.000 đồng/kg” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm.

Về việc lúa mất giá trong những tháng đầu năm 2019, lãnh đạo ngành nông nghiệp nhận định do nhiều nguyên nhân. Trong đó, “cuối năm 2018 lũ đến sớm, lũ dài liên tục, ở mức cao. Như vậy là nhiều năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long mới có lũ lớn, bù đắp phù sa nên vụ Đông Xuân có sản lượng lúa rất tốt. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines… chưa ký kết đơn hàng nên doanh nghiệp trong nước chậm thu mua từ nông dân, dẫn đến câu chuyện giá lúa tháng 2/2019 ở mức thấp” – Bộ trưởng phân tích.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2018 thị trường lúa gạo Việt Nam ở mặt bằng giá cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Mặt bằng giá của năm 2018 rất khó để duy trì trong năm 2019 trừ khi có các đột biến về nhu cầu.

\"bo

Mở rộng thị trường cho lúa gạo

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương – cho biết, năm 2018, giá FOB bình quân xuất khẩu gạo ở mức 501 USD/tấn, tăng 10,7%, tương đương mức tăng ấn tượng là 48 USD/tấn so với giá xuất khẩu năm 2017.

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu năm 2019, ông Chinh nhìn nhận, Việt Nam có thể gặp phải một số khó khăn. Trong đó, “Trước hết, năm 2018, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã dao động trong khoảng 380-450 USD/tấn, tuy giảm về cuối năm nhưng phần lớn thời gian trong năm đạt trên 400 USD/tấn, cao hơn giá gạo Thái Lan. Vì vậy, theo quy luật thị trường, giá gạo Việt Nam sẽ trở về mặt bằng giá cũ để có thể cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu gạo, đặc biệt là ở chủng loại gạo trắng. Thứ hai, xuất khẩu gạo dự báo sẽ đối mặt với cạnh tranh lớn khi nhu cầu nhập khẩu giảm ở một số thị trường thường nhập khẩu lớn là Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc” - ông Chinh cho hay.

Trước tình hình tồn kho lúa của bà con, đại diện Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo. Trong đó, Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm trách nhiệm duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu (5%) theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và đề nghị UBND các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Lương thực Việt Nam xử lý hoặc đề xuất với Bộ Công Thương biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật của thương nhân trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường phù hợp với tình hình mới. Trong đó, chú trọng thúc đẩy giao dịch các hợp đồng thương mại tại các thị trường có hợp đồng tập trung.

Bộ Công Thương thời gian qua cũng thúc đẩy ký kết các Thỏa thuận thương mại gạo MOU của Việt Nam với các thị trường nhập khẩu gạo lớn, hiện đang duy trì 6 MOU với tổng khối lượng 3,5 triệu tấn.

“Việc nắm được thực tế lượng gạo tồn kho luôn biến động là vấn đề khó, do vậy các địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần quan tâm theo dõi, đặc biệt các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo cần đảm bảo thực hiện trách nhiệm báo cáo định kỳ gửi Bộ Công Thương để có nguồn số liệu xác thực, kịp thời phục vụ công tác điều hành, tránh tình trạng tăng giá do tâm lý, không phù hợp thực tế nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu” – ông Chinh nhấn mạnh.

\"bo
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị

Thực hiện cả giải pháp tình thế và “dài hơi”

Chia sẻ ý kiến tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc thu mua lúa gạo đã có nhiều chuyển biến.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm - Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1)- chia sẻ, giá lúa hiện đã lên được từ 200-400 đồng/kg. “Chính nhờ động thái hỗ trợ tiêu thụ cho bà con của Chính phủ, các bộ ngành trung ương và địa phương, hôm qua các đối tác đã quay trở lại đặt vấn đề vì họ thấy được với sự quan tâm ấy, giá lúa khó có thể giảm tiếp” - bà Tâm cho hay.

“Vinafood 1 cam kết mở kho thu mua cả ngày lẫn đêm, mua hết công suất của mình để đưa giá lúa lên. Với kinh nghiệm của mình, chúng tôi thấy rằng đây là thời điểm thu mua tốt nhất trong năm vì gạo chất lượng nhất, mức giá cũng tốt nhất. Giờ chỉ còn là vấn đề vốn, làm sao doanh nghiệp vay được vốn”- đại diện Vinafood 1 nói thêm.

Bởi vậy, bà Tâm đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại theo hướng, mặc dù hạn mức không thay đổi nhưng nên cân nhắc điều kiện cho doanh nghiệp vay.

Cũng tại hội nghị, đại diện UBND tỉnh Trà Vinh kiến nghị các bộ ngành nên có biện pháp hỗ trợ địa phương thu mua đến tận tay hợp tác xã, đến tận tay nông dân chứ không phải hỗ trợ nhưng đối tượng hưởng lợi chỉ là thương lái.

Tuy nhiên đây chỉ là những giải pháp trước mắt, mang tính tình thế. Theo các chuyên gia, ngành lúa gạo Việt Nam cần có những giải pháp căn cơ, mang tính lâu dài để phát triển bền vững.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, Việt Nam cần thực hiện tối ưu hóa nguồn cung. “Nếu sản lượng cả nước vào khoảng 5 triệu tấn thì đầu ra rất đơn giản, nhưng tăng lên 6-7 triệu tấn thì lại là cả vấn đề. Bởi vậy, cần tối ưu hóa tổng sản lượng, tối ưu hóa cơ cấu sản lượng” – Thứ trưởng nhấn mạnh..

Mặt khác, đại diện Bộ Công Thương kêu gọi doanh nghiệp xuất khẩu gạo đừng chạy theo doanh số, sản lượng. “Chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp quay lại với biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm toàn diện, đừng để xảy ra tình trạng chạy theo số lượng mà không quản lý được chất lượng, dẫn đến việc mất giấy phép xuất khẩu\".

Nguyễn Phượng - Hoàng Tỷ
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận