Bộ Công Thương: Nhìn nhận đúng tình hình để có giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp

Trong giai đoạn tới đây, điều quan trọng nhất là cần nhìn nhận đúng tình hình để có ứng phó, xử lý phù hợp. Cụ thể, tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phát triển thị trường nhằm bảo đảm nguồn cung cho sản xuất trong nước và đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp.
bo cong thuong nhin nhan dung tinh hinh de co giai phap kip thoi ho tro doanh nghiepThủ tướng nhắn doanh nghiệp 3 “giữ”: lao động, thị trường và bản lĩnh

Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp mang chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, diễn ra sáng 9/5.

Gỡ khó thị trường truyền thống

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn ở các thị trường truyền thống, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, khi phía Bạn đã có sự kiểm soát tốt về dịch bệnh, khôi phục vụ lại các hoạt động kinh tế và nhu cầu hấp thụ hàng hóa tăng trở lại.

bo cong thuong nhin nhan dung tinh hinh de co giai phap kip thoi ho tro doanh nghiep
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra loạt giải pháp của Bộ Công Thương nhằm tiếp tục góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Riêng đối với thị trường này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất sát sao. Bộ Công Thương và các Bộ ngành và các địa phương dọc tuyến biên giới phía Bắc trong thời gian qua đã có sự phối hợp rất chặt chẽ để giải tháo gỡ khó khăn, giải tỏa ách tắc cho xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã trực tiếp điện đàm, trao đổi với các cơ quan phía Bạn như Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan để trao đổi, thống nhất chỉ đạo các đơn vị hữu quan của hai nước triển khai ngay các biện pháp nhằm khôi phục lại các hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, trao đổi qua các cửa khẩu, lối mở/cặp chợ biên giới hai nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến đồng ý việc cho phép mở lại một số cửa khẩu phụ, lối mở khu vực Lạng Sơn, Quảng Ninh. Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, doanh nghiệp lưu ý để theo dõi thông tin cập nhật thường xuyên từ Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có kế hoạch đưa hàng lên cửa khẩu một cách phù hợp.

Cả về trước mắt cũng như lâu dài, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý tới việc bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, quy định về bao gói, nhãn mác... để chuyển hướng mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. Để hỗ trợ cho quá trình này, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đẩy nhanh quá trình đàm phán, trao đổi với phía Trung Quốc sớm cho phép một số mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đối với thị trường EU, đây là thị trường có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam trong thời gian tới bởi diện mặt hàng rộng và nội dung cam kết rất sâu theo Hiệp định thương mại tự do EVFTA mà chúng ta đã ký kết. Cho tới thời điểm này, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã rất nỗ lực, khẩn trương để hoàn tất các nội dung để báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tới đây. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể tận dụng, khai thác các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA ngay từ tháng 7/2020.

Đối với thị trường ASEAN, Bộ Công Thương cùng các Bộ ngành cũng đã có những sáng kiến để cùng phối hợp giải quyết những khó khăn, tăng cường hợp tác trước tình hình mới của dịch Covid-19. Cụ thể như, tuyên bố chung của các Bộ trưởng kinh tế ASEAN về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế ứng phó với dịch Covid-19; Tuyên bố chung ASEAN - Nhật Bản cấp Bộ trưởng kinh tế về sáng kiến phục hồi kinh tế ứng phó dịch Covid-19.

Đối với các khu vực thị trường khác, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để hỗ trợ doanh nghiệp Bộ Công Thương đã xây dựng những kế hoạch rất cụ thể để triển khai như tập trung theo hướng khai thác các sản phẩm mà họ đang cần để phòng chống dịch bệnh và phục vụ nhu cầu thiết yếu. Mặt khác, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam ở các nước để rà soát, nắm chắc tình hình và lên phương án nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước trong giai đoạn sau khi dịch bệnh ở các nước kết thúc.

Về các biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã nhanh chóng thiết lập các phương thức mới trong công tác xúc tiến thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy hợp tác với phía nước ngoài. Đơn cử, ngay trong tháng 4 vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức 2 cuộc giao thương trực tuyến cho doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Ấn Độ và doanh nghiệp Trung Quốc, qua đó giúp cho doanh nghiệp 2 bên nhanh chóng trao đổi, ký kết các hợp đồng và thỏa thuận ngay trong thời gian đang diễn ra dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội.

Về dài hạn, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo các đơn vị đang xây dựng một Kế hoạch tổng thể để tái cơ cấu các thị trường xuất nhập khẩu trong bối cảnh mới. Qua đó cập nhật, xác định lại vị trí và giải pháp cụ thể cho từng thị trường, từng nhóm mặt hàng để tổ chức triển khai thực hiện.

bo cong thuong nhin nhan dung tinh hinh de co giai phap kip thoi ho tro doanh nghiep

Khơi thông thị trường trong nước

Đối với thị trường trong nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhất quán yêu cầu chung mà Bộ Công Thương đặt ra là phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và tổ chức lại thị trường trong nước hoạt động hiệu quả hơn, trọng tâm là xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa và phát huy thương mại điện tử trên nền tảng thanh toán điện tử và kinh tế số một cách tốt hơn. Theo đó, tập trung giải quyết tốt vấn đề kết nối cung cầu và củng cố các mối liên kết trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng.

“Quan trọng là ủng cố hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các trung tâm logistics, chợ đầu mối ở các trung tâm lớn và các loại hình chợ, kết cấu hạ tầng thương mại ở khu vực nông thôn”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Riêng đối với lĩnh vực thương mại điện tử, Bộ đã chỉ đạo xây dựng "Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử" để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ vừa qua đã chính thức cho phép thực hiện thí điểm Mobile Money. Bộ Công Thương cho rằng đây là "điểm nhấn" rất quan trọng về mặt chính sách để có thể tạo được "cú huých" trong phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam thời gian tới. Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đang rất tích cực để triển khai việc này. Về phía Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan để điều chỉnh các hoạt động bán lẻ trực tiếp và online, thương mại điện tử, thích ứng với luật pháp và tập quán quốc tế nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử thời gian tới.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo việc tập hợp, biên soạn tài liệu 5.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam phân loại theo nhóm hàng, ngành hàng và theo nhu cầu thị trường cụ thể của các doanh nghiệp và đã gửi hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại các nước kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ để tiếp tục phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng và cơ quan liên quan mở rộng danh mục này trong thời gian tới lên khoảng 100.000 doanh nghiệp.
Lan Anh- Quang Lộc
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận