Biên giới Tây Nam: Đường cát thẩm lậu dữ dội

Theo thống kê của các lực lượng chức năng, từ tháng 3 đến nay, hàng chục tấn đường cát Thái Lan thẩm lậu qua biên giới Tây Nam mỗi ngày. Mặc dù các lực lượng đã tăng cường kiểm soát nhưng do giá đường Thái Lan rẻ hơn đường Việt Nam từ 2.000 - 3.000 đồng/kg nên đường lậu vẫn ngày đêm “chảy” qua biên giới.
\"\"
Đường cát Thái Lan nhập lậu chất đầy kho tại Đội QLTT số 1 (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện biên giới Đức Hòa, tỉnh Long An)

Ông Võ Thiện Ngộ - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Long An - cho biết, do giá đường Thái Lan so với đường sản xuất trong nước chênh lệch khá lớn đã làm cho hoạt động buôn lậu mặt hàng này tăng đột biến. Tại Long An, có ngày lực lượng chống buôn lậu đã thu gom hàng chục tấn đường cát và tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Sáng 9/9/2015, Đội QLTT số 1 - Chi cục QLTT tỉnh Long An và công an kiểm tra cơ sở kinh doanh phế liệu tại thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, đã phát hiện 4 tấn đường cát Thái Lan nhập lậu. Chủ cơ sở Nguyễn Thị Kim Tuyến khai nhận, số đường này thu gom của người lạ để đưa về TP.Hồ Chí Minh bán.

Ông Nguyễn Văn Sâm - Đội trưởng QLTT số 1 - chia sẻ, từ đầu năm đến nay, đội đã bắt giữ hơn 40 tấn đường cát nhập lậu tại 2 huyện Đức Hòa và Đức Huệ, nằm giáp biên giới Campuchia. Đường cát đóng thành từng bao 50 kg, đối tượng thuê người khuân vác qua biên giới rồi tập kết ở các khu dân cư vùng ven biên giới, rồi “xẻ” sang xe tải loại 2-5 tấn chở về Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Tại khu vực biên giới tuyến Đức Huệ và thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, mỗi ngày đường cát thẩm lậu qua biên giới 10 - 15 tấn. Ngoài những đối tượng nhập lậu với số lượng lớn (từ 5.000 - 8.000 kg) còn có rất nhiều đối tượng sử dụng xe gắn máy chở từ 3 - 5 bao (50 kg/bao), với tiền công khoảng 30.000 - 50.000 đồng/bao.

Ông Sâm cho hay, giá đường cát nội bán sỉ từ 15.000 - 16.000 đồng/kg, nhưng đường Thái Lan phía Campuchia giá 12.000 đồng/kg. Thời điểm tháng 3/2015, giá đường chênh lệch khi qua biên giới đến 3.000 đồng/kg, nay còn khoảng 2.000 đồng/kg. Sự chênh lệch giá này chính là “hấp lực” thúc đẩy tình trạng buôn lậu đường gia tăng.

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An, trong tháng 8/2015, lực lượng chống buôn lậu tỉnh đã thu giữ 128 tấn đường cát nhập lậu, 8 tháng đầu năm thu giữ 350 tấn đường cát. Ông Võ Thiện Ngộ cho biết, thủ đoạn của đối tượng buôn lậu sử dụng xe máy vận chuyển từ 3 - 5 bao đường chạy với tốc độ cao; sử dụng hóa đơn bán hàng thanh lý đường của cơ quan nhà nước để hợp thức hóa (vận chuyển trong ngày); thay đổi bao bì nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị bắt giữ.

Tại các xã Khánh Bình, Khánh An, Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú); thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu) tỉnh An Giang, hoạt động buôn lậu đường qua biên giới vẫn đang sôi động. Tại An Giang, trước đây, đối tượng dùng xe tải chuyển lậu đường với số lượng lớn, hiện chủ yếu dùng xe máy. Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh đã bắt giữ hơn 300 tấn đương cát nhập lậu.

Tây Ninh có 240 km đường biên giới với Campuchia. Ngoài hàng tiêu dùng, thuốc lá, rượu, bia gần đây đường cát thẩm lậu tiếp tục nóng trên khu vực biên giới. Đại diện Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh cho biết, chỉ trong tháng 8/2015, các lực lượng chống buôn lậu tỉnh đã bắt giữ hơn 100 tấn đường nhập lậu, riêng 8 tháng đầu năm gần 300 tấn.

Ông Võ Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Tây Ninh:

Để hợp thức hóa đường lậu, đối tượng buôn lậu tập kết đường tại khu vực biên giới, sử dụng hóa đơn xuất hàng, thay nhãn hiệu bao bì của các nhà máy đường trong nước, rồi đưa về các địa phương tiêu thụ.

Thế Vĩnh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận