![]() |
Sóng biển tràn vào sau bão |
Theo ghi nhận của PV báo Công Thương, tại thị xã Cửa Lò, sau khi cơn bão quét qua rồi đổ bộ vào đất liền, những cột sóng cao tới 6m đập phá dữ dội tuyến đê biển, hàng trăm ki ốt, nhà hàng bị tốc mái, đổ sập... Nước biển vượt đê tràn vào khu vực dân cư khoảng 1km, những con đường, ngôi nhà ngập trong nước, cây cối đổ ngả nghiêng, cả thị xã Biển trở nên hoang tàn sau bão.
Vùng biển bãi Ngang cũng hứng chịu cảnh bão tàn phá, sóng biển cao khoảng 5m đập liên hồi vào tuyến đê biển. Báo động nguy cơ vỡ đê. Ghi nhận tại thôn Cộng Hòa, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, nước biển vượt đê chảy ào vào nhà dân. Trên triền đê của xã, hàng trăm người chạy ngược xuôi khuôn vác bao tải cát đá gia cố đê. Trước đó, người già, trẻ em được cơ quan chức năng vận động lên xe ca đưa tới vùng an toàn. Một đoạn đê biển dài 2,2km của xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu có nguy cơ bị vỡ, hơn 100 người dân, dân quân tự vệ, công an đã bất chấp nguy hiểm đóng cọc, kè bao tải để tránh nước tràn.
Ông Nguyễn Đắc Vinh- Bí thư tỉnh ủy Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Đường- Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng đoàn công tác vượt gần trăm cây số giữa trời giông bão để đến hiện trường chỉ đạo công tác hộ đê, đối phó bão. Các chuyên gia cũng được điều động khắc phục hậu quả.
Ngay sau bão, tỉnh Nghệ An đã điều động 11 đoàn công tác xuống cơ sở, huy động nhiều phương tiện tàu xuồng, xe ô tô xuống vùng trọng điểm các huyện thị ven biển. 4.799 cán bộ, chiến sỹ của lực lượng quân đội, công an, biên phòng cùng với các phương tiện cứu hộ, chuyên dụng đối phó bão cùng người dân. Di dời 4.332 hộ dân với 17.575 người đến khu vực an toàn.
Theo báo cáo nhanh của UBND các địa phương, đơn vị, tổng hợp thiệt hại ban đầu đến 16 giờ (ngày 15/9) của 11/21 đơn vị (chưa thông kê hết), trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 1 người chết, 1 người bị thương nặng, 210 nhà bị tốc mái, 65 hộ dân bị ngập. Về sản xuất nông nghiệp, 510 ha lúa bị ngập, 1.788,7 ha ngô và rau màu, 179,2 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập. Đê xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu) bị lở mái 320m. Kè đê biển thị xã Hoàng Mai bị sạt lở 400m, nước tràn qua đê. Kênh mương bị sạt lở 1.500m, 11 cống qua đường bị cuốn trôi, cột điện, biển giao thông, hàng ngàn cây xanh bị gãy đổ.
Trao đổi nhanh với PV Báo Công Thương, lãnh đạo các huyện miền núi Nghệ An như: Con Cuông, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn cho biết, trên địa bàn các huyện đã có mưa to đến rất to, nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất có thể xảy ra trong đêm.
Hiện chính quyền tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, cơ quan, ban ngành địa phương tiếp tục thực hiện khẩn trương, quyết liệt nội dung công điện của Trung ương, của tỉnh. Kiểm đếm tình hình thiệt hại, nắm chắc tình hình sự cố hư hỏng các công trình đê điều, hồ đập và các thiệt hại khác do bão lũ gây ra để chủ động đối phó. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng phương tiện ứng cứu, di tản người dân, cứu hộ khi có yêu cầu. Vận hành công trình tiêu úng, đề phòng mưa lớn do hoàn lưu bão. Các địa phương có phương án chống lũ ống, lũ quét. Chuẩn bị công tác hậu cần như lương thực, thuốc men... để sẵn sàng làm công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả.
Một số hình ảnh PV Báo Công Thương ghi lại tại thị xã Cửa Lò sau khi cơn bão số 10 đi qua:
![]() |
![]() |
Bão đánh tan hoang tai TX Cửa Lò- Nghệ An |
![]() |
Ngập lụt tuyến đường bình minh Cửa Lò |
![]() |
Người dân được sơ tán đến vùng an toàn |
![]() |
Người dân trú bão ở trường học tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An |