![]() |
Sự sáng tạo gắn với cá nhân và quyền lợi của tác giả |
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của bản quyền trong phát triển văn hóa và kinh tế tại Việt Nam?
Theo tôi, vai trò của bản quyền trong phát triển văn hóa và kinh tế là hết sức quan trọng. Đặc biệt, trong thời đại công nghiệp, xã hội phát triển thì sở hữu trí tuệ, chất xám, sự sáng tạo của con người lại càng phải được coi trọng. Sáng tạo gắn với cá nhân và quyền lợi của họ phải được bảo đảm, bảo vệ, khuyến khích. Những vi phạm bản quyền sẽ làm hại đến uy tín của người nghệ sĩ và đồng thời làm mất giá trị của tác phẩm. Bởi tác phẩm nghệ thuật, giá trị còn ở tính độc bản.
![]() |
Ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
Vậy cần phải có những giải pháp gì để thực thi công tác bản quyền hiện nay, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng mạnh mẽ?
Trước hết, cần phải có những giải pháp đồng bộ. Bởi bảo vệ quyền tác giả là lĩnh vực khá mới mẻ với Việt Nam. Vì vậy, trước mắt là tuyên truyền bằng mọi phương tiện để người dân nhận thức, đánh giá công sức của trí tuệ, của những sáng tạo. Sau đó phải hoàn thiện hệ thống luật pháp cho lĩnh vực này. Như, trong bối cảnh hội nhập TPP, có những xâm phạm chúng ta chỉ xử lý hành chính, nhưng cùng lỗi đó ở một số nước sẽ xử lý hình sự, như thế mới có tính răn đe. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm, nếu Việt Nam xử lý ngay hình sự sẽ có thể gặp nhiều khó khăn, hơn nữa khó có sự đồng thuận về vấn đề này. Cho nên, để có được hệ thống luật pháp hoàn chỉnh bảo vệ được quyền tác giả cần phải có lộ trình.
Việt Nam mới thực hiện nên cũng rất cần sự hỗ trợ từ quốc tế, từ các chuyên gia, tư vấn về luật pháp, văn bản, chế tài, các phương tiện kỹ thuật… Nếu không có được sự hỗ trợ đó chúng ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Hiện ở thời điểm này sự hỗ trợ của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIP) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc là hết sức kịp thời và đáng quý. Ý kiến của các chuyên gia nước ngoài đóng góp tại hội thảo rất bổ ích và đã bổ sung kiến thức cho các chuyên gia bản quyền của Việt Nam. Ngay như Cục Bản quyền tác giả hiện nay mới có ở Trung ương mà lẽ ra từ các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phải có các cơ quan, cán bộ làm về bản quyền. Do đó, có những cuộc hội thảo về bản quyền không chỉ ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh mà cần tổ chức các thành phố khác.
Hiện nay có 3 Bộ theo dõi vấn đề bản quyền theo thứ trưởng, có sự chồng chéo hay không?
Thực tế là có sự chồng chéo trong vấn đề quản lý khi có đến 3 Bộ tham gia. Ở các nước cũng có tình trạng này nhưng họ đã xử lý rất tốt. Do đó, chúng ta cũng cần phải học tập từ quốc tế. Bởi nghệ thuật hiện đại giờ đây cũng sống đan xen không còn đứng độc lập như xưa. Mà sự đan xen sẽ liên quan đến nhiều lĩnh vực. Như riêng lĩnh vực mỹ thuật giờ đây không còn chỉ là hội họa trên giá vẽ nữa mà còn có sự sắp đặt về không gian, kết hợp với khối của điêu khắc, kết hợp video của điện ảnh, trình diễn của nghệ thuật biểu diễn… Ngoài ra, cũng phải có những điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Vấn đề này không chỉ liên quan đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà còn cả Bộ Khoa học và Công nghệ. Nhưng dù sao chúng ta cũng phải phân định lĩnh vực của Bộ Khoa học và Công nghệ là khoa học kỹ thuật khác với các lĩnh vực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Do đó, các Bộ nên cùng bàn cách giải quyết thỏa đáng, tránh sự chồng lấn.
Xin cảm ơn ông!