Tháo gỡ khó khăn cho người lao động
Trước tác động của dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP, và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Chủ trương của các chính sách hỗ trợ này không chỉ giúp người lao động và doanh nghiệp có thêm nguồn lực để chống đỡ dịch bệnh, mà quan trọng hơn, giúp người lao động và doanh nghiệp có sự chuẩn bị cần thiết để tiếp tục tham gia thị trường lao động, góp phần động viên tinh thần và sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp đối với Đảng và Nhà nước.
![]() |
Khẩn trương triển khai các chính sách an sinh tới người lao động |
Là đơn vị thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Thủ đô, ngay sau khi có sự chỉ đạo của UBND thành phố, BHXH Hà Nội đã thành lập Tổ Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ. Đồng thời, quán triệt tới viên chức, người lao động trong toàn hệ thống tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của người sử dụng lao động và người lao động với tinh thần và trách nhiệm cao nhất đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng, cam kết thực hiện trong vòng 1 ngày theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam. Chủ động phối hợp với các ngành liên quan thực hiện 5 dịch vụ công trực tuyến liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên Cổng dịch vụ công quốc gia để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp; công khai quy trình tiếp nhận, giải quyết, số điện thoại đường dây nóng trên Trang thông tin điện tử…, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Sau 1 tháng thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, tính đến ngày 6/8/2021, Hà Nội đã triển khai hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất (tính trên tổng số tháng đơn vị được dừng đóng) cho 31 đơn vị, 2.846 người lao động với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng; xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, lao động ngừng việc để người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất tại 168 đơn vị với tổng số 11.734 lao động. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước thực hiện sớm việc thực hiện hỗ trợ giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp cho trên 87 nghìn doanh nghiệp, tương ứng hơn 1,4 triệu lao động với số tiền trên 643 tỷ đồng.
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận và đánh giá cao BHXH Hà Nội đã nghiêm túc bám sát chỉ đạo của Chính phủ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Theo đó, Hà Nội đã chủ động, kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng khẳng định, những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các chính sách BHXH đã và đang góp phần quan trọng cho việc bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn Thủ đô.
Cải cách vì người dân, doanh nghiệp
Với phương châm lấy người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH làm trung tâm phục vụ, công tác cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng công nghệ luôn được ngành BHXH Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian qua, CCHC, ứng dụng công nghệ đã giúp cho ngành BHXH Thủ đô phục vụ người dân, doanh nghiệp đạt hiệu quả hơn, nhất là trong đại dịch Covid-19. Việc cải thiện quy trình, thủ tục giao dịch đã tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo quyền lợi người tham gia.
![]() |
Ngành Bảo hiểm xã hội nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp |
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch CCHC giai đoạn 2021-2025 của TP. Hà Nội. Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Nguyễn Đức Hòa - cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, BHXH thành phố quyết tâm xây dựng thành cơ quan phục vụ, chuyên nghiệp và hiệu quả; đảm bảo liên thông, đồng bộ, thống nhất và hội nhập quốc tế nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện cho nhân dân và người lao động trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, tập trung tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, người lao động, các tổ chức, doanh nghiệp.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được rà soát, quy định cụ thể đối với từng đơn vị thuộc hệ thống BHXH thành phố cùng với các thủ tục hành chính (TTHC) và quy trình giải quyết công việc, ông Nguyễn Đức Hòa - cho biết, BHXH Hà Nội sẽ thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính đảm bảo đồng bộ, thông suốt, nhất quán, tinh gọn và hiệu quả từ BHXH thành phố tới các phòng nghiệp vụ, BHXH các quận, huyện, thị xã. Nâng cao mức độ hài lòng của người dân, lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Trọng tâm của CCHC là tiếp tục cải cách TTHC và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Mới đây, BHXH Hà Nội cũng đã đưa ra mục tiêu phấn đấu hàng năm chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tăng trung bình tối thiểu 5 bậc so với năm trước. Theo đó, ngành BHXH Thủ đô sẽ tăng cường tuyên truyền đến người dân về các quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT để người dân hiểu và nắm được các chủ trương, chính sách. Cũng như nâng cao tính minh bạch trong quản lý. “Chúng tôi sẽ nỗ lực để số hóa kết quả giải quyết TTHC, bảo đảm việc kết nối chia sẻ dữ liệu trên môi trường điện tử. Phấn đấu đến năm 2023, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng dịch vụ công đạt trên 90%, đến năm 2025 đạt tối thiểu 95%” - ông Hòa thông tin.
BHXH Hà Nội quyết tâm thực hiện nghiêm quy định về giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; hướng dẫn các cá nhân, tổ chức kê khai hồ sơ đầy đủ, chính xác, tuyệt đối không để các cá nhân, tổ chức phải đi lại quá một lần để bổ sung hồ sơ về thụ hưởng chính sách an sinh… |