Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông linh hoạt phát triển đối tượng tham gia

Tính đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh Đắk Nông có 552.442 người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam tặng Bằng khen cho 12 tập thể doanh nghiệp FDI Nhật BảnBảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh: Nhiều giải pháp đột phá hỗ trợ người lao động

Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, bà Võ Thị Ái Liễu - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông cho biết, về các chỉ tiêu cơ bản, tính đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh có 552.442 người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, đạt 92,02% kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao. Tổng số thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp là hơn 802 tỷ đồng, đạt 68,69% kế hoạch. Công tác chi trả Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp được triển khai đầy đủ và kịp thời cho người thụ hưởng. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách hành chính tiếp tục được duy trì và phát huy; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành.

Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông đã chủ động, bám sát sự chỉ đạo điều hành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Uỷ ban nhân dân tỉnh, kịp thời tổ chức thực hiện các chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo công tác thu, phát triển người tham gia; kiện toàn các ban Ban chỉ đạo.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông linh hoạt phát triển đối tượng tham gia

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện các nhiệm vụ chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn còn gặp một số khó khăn, số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện giảm sâu. Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Đắk Nông mới có 10.784 người đạt 49,5% kế hoạch, giảm hơn 5.200 người so với hết năm 2021.

Nguyên nhân số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện giảm một phần do thu nhập của người dân trên địa bàn thấp, lại chịu ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh; bên cạnh đó mức đóng Bảo hiểm xã hội tối thiểu tăng gấp đôi theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn từ tháng 01/2022 khiến nhiều người không tiếp tục tham gia. Bên cạnh đó, vụ cà phê năm nay trên địa bàn tỉnh bị mất mùa nên việc phát triển Bảo hiểm xã hội tự nguyện càng gặp nhiều thách thức.

Ngoài ra, công tác tổ chức hội nghị khách hàng được đánh giá hiệu quả mang lại chưa cao; tình trạng chiếm dụng quỹ Bảo hiểm xã hội, trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng kéo dài còn xảy ra; một số doanh nghiệp nợ lớn, nợ gối đầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động…

Nhằm tháo gỡ một số khó khăn trong công tác thúc đẩy phát triển Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông, thời gian tới, ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh cần cập nhật, làm giàu kho dữ liệu của địa phương về các đối tượng tiềm năng. Đặc biệt cần quan tâm phát triển nhóm nông, lâm nghiệp với mức hỗ trợ 30% khi tham gia Bảo hiểm y tế sẵn có từ Ngân sách Nhà nước; cũng như tập trung vào nhóm học sinh, nhóm người cận nghèo trên địa bàn; cần khẩn trương tham mưu để Hội đồng nhân dân tỉnh sớm ban hành Nghị quyết có hỗ trợ cho các nhóm này.

Về số lượng người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện giảm sâu, giải pháp chính vẫn là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, linh hoạt, sáng tạo với từng thành phần dân tộc, tôn giáo trên địa bàn, tập trung vào các hội nghị nhóm nhỏ, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng. Tỷ lệ nợ của tỉnh đang ở mức cao, cần khẩn trương khoanh vùng không để phát sinh số nợ mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; mở rộng mạng lưới dịch vụ thu, kiện toàn, tiếp nhận, đào tạo đội ngũ từ các hệ thống đại lý cũ. Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông cần tăng cường phối hợp với ngành y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tỉnh để người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngày càng thuận tiện hơn.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch Trung ương và địa phương giao trong năm 2022, ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông tiếp tục tập trung kiểm tra, đôn đốc thu, giảm nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; thường xuyên đôn đốc doanh nghiệp đang tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thực hiện đóng đầy đủ, kịp thời vào quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý tài chính; cải cách phương thức, thủ tục thanh toán, chi trả, quản lý chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đảm bảo chính xác, kịp thời đúng quy định của Nhà nước cho người thụ hưởng. Nâng cao hiệu quả giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế; phối hợp với Ngành Y tế kiểm soát các chi phí bất hợp lý tại các cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đến với người dân và doanh nghiệp.

Nhật Khôi
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận