Bài học năm 2019 và điểm nhìn năm 2020

Điểm đặc sắc của năm 2019 chính là khu vực tư nhân nội địa bứt lên, được thể hiện ở chỗ xuất khẩu của khu vực tư nhân nội địa tăng trưởng cao hơn khu vực bên ngoài và cán cân xuất nhập khẩu. Thành tích đó có phần đóng góp xứng đáng của Bộ Công Thương.

Bài học kinh tế năm 2019

Năm 2019 đúng như Chính phủ vừa tổng kết với kết quả rất tích cực, tạo tâm lý lạc quan. Có thể thấy có 5 bài học quan trọng.

Bài học đầu tiên, Chính phủ giữ vững lập trường tăng trưởng, ổn định vĩ mô vững chắc, làm cơ sở cho tăng trưởng tốt lên. Đây cũng là bài học của 3 năm gần đây và càng đúc kết càng thấy sâu sắc. Lấy ổn định vĩ mô làm nền tảng, làm trụ. Trên cơ sở đó, tạo tiền đề cho những nỗ lực tăng trưởng cao và bền vững. Khi đó, khu vực tư nhân có lòng tin sẽ đầu tư mạnh hơn.

bai hoc nam 2019 va diem nhin nam 2020

Trong bối cảnh các thị trường ảm đạm mà chúng ta vẫn giữ được đà tăng xuất khẩu, đặc biệt xuất siêu xấp xỉ 10 tỷ USD. Bản thân khu vực tư nhân lớn mạnh được là nhờ có công lao rất lớn từ việc thay đổi tư duy, coi khu vực tư nhân là động lực quan trọng. Chính phủ đã nhiều lần khẳng định sẽ là cầu nối phục vụ doanh nghiệp (DN) tư nhân, xây dựng một Chính phủ kiến tạo và thực tế đã tạo được niềm tin cho khu vực tư nhân phát triển.

Bài học thứ hai, gắn liền với nỗ lực duy trì quan hệ mở cửa rất tốt. Năm 2019, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết. Trước đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được Quốc hội thông qua. Hai FTA thế hệ mới này đều ở đẳng cấp cao. Giữa bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới, chủ nghĩa bảo hộ có phần gia tăng, thế nhưng chúng ta tiếp tục tạo được lòng tin với các đối tác. Việt Nam trở thành điểm hội tụ về thương mại, về đầu tư nước ngoài để chính các đối tác có thể được hưởng lợi ích từ các hiệp định nói trên.

Bài học thứ ba, trong điều kiện khó khăn mà chúng ta vẫn nỗ lực làm, quyết tâm làm và làm được, cho dù tình hình thế giới ảnh hưởng bất lợi cho xuất nhập khẩu. Chúng ta theo đuổi mở cửa hội nhập trên cơ sở một tầm nhìn dài hạn. Trong bối cảnh khó khăn lấy hội nhập để cải cách khu vực trong nước, tạo áp lực cạnh tranh đối với DN; tạo áp lực thể chế đối với khu vực trong nước.

Bài học thứ tư, rất đáng lưu ý là việc giải ngân đầu tư công quá chậm. Năm 2019, giải ngân đầu tư công chậm hơn những năm trước. Đây có thể coi là lỗi cơ chế, thể chế, hệ thống luật lệ, chính sách chồng chéo, ràng buộc. Bài học này cực kỳ có ý nghĩa, nếu chúng ta muốn thay đổi về đẳng cấp chất lượng của nền kinh tế phải tập trung vào bài học này.

Bài học thứ năm, số liệu thống kê cho thấy các đầu tàu tăng trưởng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ đều có mức tăng rất chậm. Điều này cho thấy, thể chế chung còn nhiều vấn đề “níu chân” các đầu tàu và cần phải thực hiện những quy định đặc thù để tháo gỡ. Nếu đầu tư công giải ngân tốt thì các đầu tàu có một động lực mạnh hơn, tốt hơn nữa và nền kinh tế Việt Nam không chỉ dừng ở mức tăng trưởng 7%.

Năm 2019 cũng định hình rõ hơn vai trò của các tập đoàn kinh tế tư nhân. Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Họ định hình nỗ lực phát triển rất rõ ràng với hướng mở thẳng tới công nghệ cao, quản trị hiện đại như Vinfast đóng góp rất lớn cho Hải Phòng. Rõ ràng là một tập đoàn có thể tạo ra sức đột phá cho cả một thành phố. Hay Quảng Ninh tạo thế vững mạnh hút đầu tư. Cụ thể, sân bay Vân Đồn do SunGroup làm đã đưa ra hình ảnh rất khác, cho thấy cần có cơ chế khuyến khích tốt, có lòng tin giao cho các tập đoàn tư nhân Việt Nam trong việc làm những công trình lớn. Đây được coi là bài học mới cần tiếp tục được kiểm chứng.

Thể chế và cơ chế

Năm 2019 cho thấy, thể chế có tác động lớn, mà trước tiên là giúp cho ổn định kinh tế vĩ mô.

Điều hành chính sách tỷ giá, chính sách tiền tệ rồi các chính sách gắn với mở cửa hội nhập… đều là những vấn đề liên quan thể chế. Việt Nam năm 2019 tăng năng lực cạnh tranh lên 10 bậc, 10 bậc này cũng là 10 bậc thể chế.

Đáng mừng là xu thế chung mang tính tích cực của năm 2019 là nhiều điểm nghẽn trong thể chế được tập trung tháo gỡ, tạo được lòng tin, trước hết là lòng tin của DN, từ đó tạo điều kiện cho DN phát triển và thu lợi nhuận.

Bên cạnh đó, những cải cách của Chính phủ gắn với chính phủ điện tử rất quan trọng thể hiện quyết tâm cao trong việc tự công khai, minh bạch của Chính phủ. Cho dù những bước khởi động đầu tiên là khó khăn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

Nhưng, cần lưu ý khi chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 10 bậc, thì chỉ số môi trường kinh doanh lại tụt mất 1 bậc. Mặc dù Việt Nam có thêm điểm trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nhưng ngay cả khi đó vẫn còn nhiều vấn đề chúng ta nghiêm túc nhìn nhận. Môi trường kinh doanh tụt hạng so với năm ngoái, nghĩa là các nước khác đã vượt so với Việt Nam. Ở đây mấu chốt là khả năng cạnh tranh. Việt Nam phải tập trung cố gắng hơn điểm thì lúc đó mới giải quyết được vấn đề.

Những điểm nhìn năm 2020

Triển vọng 2020 là rất lạc quan, đây là một đánh giá có cơ sở khách quan.

Kinh tế Việt Nam có độ mở rất rộng, nên tác động từ bên ngoài vào mạnh, cần lưu ý phải giữ được sự ổn định và cẩn trọng. Xuất khẩu và đầu tư năm 2019 đều rất tốt, nên hệ quả tăng trưởng năm 2020 cũng tốt, đó là “gieo hạt năm nay, sang năm có thể gặt hái”.

Về DN, tại cuộc gặp cuối năm vừa rồi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với 1.000 DN tiêu biểu có một luận điểm hay, đó là Việt Nam phải có chiến lược phát triển lực lượng DN Việt Nam. Chúng ta không chỉ phát triển DN mà phải phát triển cho được một lực lượng DN. Việt Nam muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ phải học các nước đi trước, phải có tập đoàn lớn làm trụ sau đó mới “xoắn” với các DN. Phải coi đây là mục tiêu chiến lược, một điểm nhìn cần ưu tiên thực thi.

Quan trọng hơn tại thời điểm này, khuyến khích DN khởi nghiệp phải đúng nghĩa là đổi mới sáng tạo vì nếu thay đổi công nghệ sẽ có tác dụng “nâng tầm”. Nếu chúng ta thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị về kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời điểm này thì khái niệm phát triển DN chiến lược của Việt Nam sẽ có cơ hội để phát triển tốt hơn.

Chiến lược khoa học - công nghệ, kinh tế số phải là trụ cột của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cấu trúc của “Công” và “Thương” cũng cần thay đổi. Công nghiệp phải hướng tới công nghệ cao. Thương mại điện tử phát triển cũng phải là trọng tâm, rất mừng là hiện nay Chính phủ đã nhìn nhận vấn đề này. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương cũng đã bàn nội dung này.

Ngoài ra cần gỡ cho được các khúc mắc trong đầu tư công, những lực cản các đầu tàu tăng trưởng. Nếu không sẽ khó phát triển.

 

PGS.TS Trần Đình Thiên
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận