Bài 2: Chuyển đổi số tạo tiền đề phát triển bền vững kinh tế - xã hội

Với việc chú trọng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã tạo nên những đột phá trong tăng trưởng.
Bài 1: Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại Quảng NinhChuyển đổi số trong báo chí: Quan trọng nhất là yếu tố con người

Ưu tiên chuyển đổ số ở những lĩnh vực quan trọng

Cụ thể hóa Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh đã ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, mang lại các giá trị mới thiết thực cho người dân doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gồm y tế, giáo dục, du lịch giao thông vận tải và logistics, sản xuất công nghiệp, tài chính ngân hàng, tài nguyên môi trường, năng lượng, nông nghiệp, cải cách hành chính

Điển hình như tại Cục Hải quan Quảng Ninh, từ năm 2014, Cục Hải quan Quảng Ninh là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai thí điểm hệ thống VNACCS/VCIS. Đây là hệ thống thông quan tự động có kết nối với cơ chế một cửa quốc gia, hỗ trợ người khai hải quan trong việc khai báo như tự động bổ sung thuế suất, tỷ giá tính thuế, tự động tính toán trị giá tính thuế, số thuế phải nộp, tự động cảnh báo với những tiêu chí khai chưa chính xác… Đồng thời, hệ thống cũng giúp tăng tính chủ động và giảm thời gian thông quan. Đến nay, 100% quy trình thủ tục hải quan đã được tự động hóa qua hệ thống này.

Tiếp đó Cục tiếp tục áp dụng hệ thống giám sát, quản lý hải quan tự động VASSCM đã giúp doanh nghiệp rút ngắn được thời gian làm thủ tục giao nhận hàng từ 5-7 lần so với trước. Giảm 7 giờ đồng hồ thông quan cho một lô hàng nhập khẩu và 2 giờ cho hàng xuất khẩu.

Được biết, thời gian tới để phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Cục Hải quan Quảng Ninh sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số công tác nghiệp vụ, triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN. Qua đó, 100% thủ tục hành chính công có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Dịch vụ công trực tuyến được cung cấp 24/7. Việc trả kết quả thủ tục hải quan cũng được thực hiện trên môi trường số.

Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đưa máy soi container di động Eagle M60 vào hoạt động tại cảng Cái Lân
Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đưa máy soi container di động Eagle M60 vào hoạt động tại cảng Cái Lân

Hay như trong lĩnh vực y tế, tỉnh cũng đã ứng dụng nhiều công nghệ và nền tảng khác nhau để mang lại lợi ích cho các cơ sở y tế, cũng như người bệnh.Hiện nay, Sở Y tế Quảng Ninh đã đưa vào thực hiện 169 thủ tục hành chính, với 100% thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. 9 tháng năm 2022, đã có 1.670 hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Phó Giám đốc Sở Y tế Trịnh Văn Mạnh cho biết: Để tiến tới xây dựng bệnh viện không giấy tờ trong toàn tỉnh, ngành Y tế Quảng Ninh đang tiếp tục đề xuất tỉnh triển khai thí điểm phần mềm quản lý chẩn đoán hình ảnh (PACS) cho tất cả các đơn vị khám, chữa bệnh chưa triển khai. Qua đó, cắt giảm quy trình khám, chữa bệnh; làm giảm tình trạng in phim khô sau chụp X-quang, cắt lớp, siêu âm, từ đó giúp bệnh nhân không phải chờ đợi kết quả chiếu chụp, giúp các bệnh viện giảm chi phí vật tư; đồng thời góp phần rất lớn trong bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người bệnh và nhân viên y tế.

Đặc biệt, ngay từ giai đoạn đầu của cuộc chiến chống "giặc" Covid-19, trong các giải pháp mà Quảng Ninh đã triển khai thực hiện, việc khai báo, khám sức khỏe cho người dân để lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho toàn bộ cư dân biên giới ở Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu và sau đó mở rộng toàn tỉnh là một trong những giải pháp rất thành công của Quảng Ninh

Tạo bước đà cho phát triển kinh tế - xã hội

Từng bước chuyển đổi số toàn diện, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai 12 dự án phát triển hạ tầng, dữ liệu chuyển đổi số; trong đó 7 dự án đã được phê duyệt, 5 dự án đang chuẩn bị đầu tư.

Trung tâm điều khiển xa của Công ty Điện lực Quảng Ninh
Trung tâm điều khiển xa của Công ty Điện lực Quảng Ninh

Về chính quyền số, Quảng Ninh đang đứng đầu cả nước về tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia là 78% và 100% các thủ tục đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thì Quảng Ninh cũng đã hoàn thành để cung cấp cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, tỷ lệ nộp hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính ở mức độ 4, Quảng Ninh đang đạt tỷ lệ 73,67%, trong khi đó trung bình cả nước là 35% (tức là Quảng Ninh đã tăng 24% so với năm 2021. Trong xây dựng Chính quyền số, Quảng Ninh cũng đi đầu về xây dựng, kết nối dữ liệu quốc gia, dữ liệu các bộ, ngành. Từ tháng 5/2022, Quảng Ninh là một trong 3 tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành kết nối dữ liệu dân cư và đến nay mới chỉ có 14 tỉnh hoàn thành.

Về mức độ chính quyền điện tử (chỉ số ICT), hiện tỷ lệ hồ sơ được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử của cả 3 cấp đã tăng 60% so với năm 2021 và 90% người đứng đầu đã sử dụng chữ ký số; tỷ lệ văn bản gửi trên môi trường đạt 95% (5% là văn bản mật không thể gửi lên môi trường điện tử). Hiện nay Quảng Ninh đang đứng ở vị trí thứ 2 về tính công khai, minh bạch; tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cũng đứng thứ 2 và việc số hóa hồ sơ đứng thứ 5 cả nước. Tức là đã số hóa hồ sơ ngay từ khâu tiếp nhận để phục vụ mục tiêu thu thập thông tin của người dân và doanh nghiệp 1 lần để tái sử dụng trong giải quyết thủ tục hành chính.

Hiện việc phủ lõm sóng thông tin di động đến các hộ dân hiện đã triển khai được tới 100% các xã, phường và thị trấn trong toàn tỉnh Quảng Ninh
Hiện việc phủ lõm sóng thông tin di động đến các hộ dân hiện đã triển khai được tới 100% các xã, phường và thị trấn trong toàn tỉnh Quảng Ninh

Nói về phát triển kinh tế số, tại Kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khoá XIV diễn ra vào 8/12, bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Hiện 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử đạt 95,7%, phổ cập chữ ký số đến 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của tỉnh đã lên sàn thương mại điện tử, bước đầu tạo được thói quen giao dịch, quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Tỉnh cũng đã triển khai truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và thực hiện mô hình cửa khẩu số”.

Như tại huyện Đầm Hà - một trong những địa phương được ghi nhận đẩy mạnh chuyển đổi số trong các vùng nông nghiệp nông thôn với các hoạt động như khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt, khuyến khích người dân lắp đặt camera an ninh tại nhà, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng cường kết nối thông qua môi trường mạng và các ứng dụng thông minh trên điện thoại smartphone... Đến nay, ngày càng xuất hiện những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sử dụng hệ thống thiết bị hiện đại, liên hoàn, quy trình sản xuất khép kín, đặt biệt tiến tới làm chủ các yếu tố mà trước đây phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên, tiếp cận và phát huy thương mai điện tử...

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Chuyển đổi số là vấn đề được cả nước quan tâm, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện và Quảng Ninh không nằm ngoài xu thế tất yếu đó. Tuy nhiên, mục tiêu chuyển đổi số là đi nhanh nhưng phải có tính vững, làm đâu chắc đó và phải có hiệu quả thực tế đo đếm được. “Trước mắt ngành Thông tin và Truyền thông và ngành Du lịch cần khẩn trương xây dựng bộ dữ liệu số về du lịch trên nền tảng đa ngôn ngữ; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thương mại điện tử, ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh và hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động và tăng cường chức năng theo dõi, giám sát; tiếp tục củng cố trường học thông minh, bệnh viện thông minh; xây dựng đô thị thông minh…” – ông Ký yêu cầu.

Để xóa đi khoảng cách địa lý, vùng miền trong tỉnh, việc chuyển đổi số thực sự phục vụ đời sống nhân dân, các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh Quảng Ninh đang tích cực đẩy nhanh tiến độ phủ lõm sóng di động và phát triển cáp quang băng rộng. Hiện việc phủ lõm sóng thông tin di động đến các hộ dân hiện đã triển khai được tới 100% các xã, phường và thị trấn trong toàn tỉnh; hoàn thành xong việc phủ sóng cho 66 thôn lõm sóng. Phủ lõm hạ tầng internet cáp quang băng rộng, có 113 thôn trong vùng lõm, tới nay đã có 97 thôn được phủ sóng còn 16 thôn còn lại sẽ hoàn thành trong quý I năm 2023.

Tiến Dũng - Xuân Phú
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận