Nới lỏng điều kiện làm việc
Để giúp DN ổn định sản xuất nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quy định tạm thời về phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, từ ngày 20/6, UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu người lao động ở địa phương thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 19 được phép đi làm khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 tiếng. Đồng thời, hàng tuần, DN phải lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tối thiểu 20% số lao động.
![]() |
Người lao động được phép đi làm khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong 72 tiếng |
Về lưu trú, chỉ những DN, công nhân ở khu vực đang thực hiện Chỉ thị 16 mới phải lưu trú tập trung. Còn lại có thể ở khu nhà trọ, nhưng DN phải bố trí cho công nhân ăn sáng, trưa, tối tại chỗ; khi đi làm về nhà, cam kết chỉ đi một tuyến đường và vào 21 giờ, tất cả cửa hàng kinh doanh, chủ nhà trọ phải đóng cửa....
Đối với phương tiện đưa đón phải đăng ký lịch trình cụ thể và đảm bảo không chở quá số người theo giấy phép được cấp; mở cửa sổ, cửa thông gió nếu có thể trong khi di chuyển; có sẵn dung dịch sát khuẩn tay; có mã QR kiểm dịch dán ở cửa lên xuống xe; có camera giám sát trên xe, đồng thời lập danh sách/quản lý bằng thẻ, cố định chỗ ngồi cho từng người trên xe...
Để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, từ ngày 2/6, hàng trăm DN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh bắt đầu triển khai cho người lao động ở, ăn và làm việc tại nhà máy. Mọi giao dịch với các DN đều được triển khai theo hình thức trực tuyến, nhằm giải quyết kịp thời, bảo đảm an toàn, khoảng cách theo quy định về phòng dịch. Đến nay, tại các khu công nghiệp trên địa bàn có khoảng 900 DN bố trí cho hơn 115.000 công nhân làm việc, lưu trú theo quy định phòng dịch. Các DN đều cố gắng hết sức có thể, để đảm bảo tối đa về cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, làm việc của người lao động.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhịp sống ở nhiều địa bàn dân cư trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang dần trở lại trạng thái bình thường mới. Và chính sự linh hoạt trong duy trì chuỗi sản xuất là nhân tố quan trọng giúp cho chỉ số sản xuất công nghiệp của địa phương 6 tháng đầu năm tăng 11,8%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,9 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ, GRDP tăng 7,45%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh đạt hơn 33.700 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - ông Nguyễn Hữu Thành - cho biết: Kỳ họp tháng 7 tới đây của Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tập trung thảo luận, thông qua Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Ninh trong giai đoạn hậu Covid-19. Chặng đường phát triển 6 tháng cuối năm rất cam go, thử thách với cả lãnh đạo tỉnh cũng như chính các DN để làm sao chạm mức 11% tăng trưởng. Điều này giúp Bắc Ninh đạt được mục tiêu phấn đấu tăng trưởng cả năm là 5,4% sau khi đã điều chỉnh, so với mục tiêu ban đầu là 7,0%.
Có chính sách hỗ trợ đặc thù người lao động
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, Bắc Ninh là một trong những địa phương nằm trong tâm dịch và bị ảnh hưởng nặng nề. Trên địa bàn tỉnh có 235 cơ sở giáo dục ngoài công lập và 309 DN phải tạm ngừng hoạt động; hơn 184 nghìn lao động trong khu, cụm công nghiệp phải ngừng việc; hơn 16 nghìn lao động hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; gần 10 nghìn người phải chấm dứt hợp đồng lao động. Số lao động nữ mang thai, người đang nuôi con nhỏ chưa đủ 6 tuổi có hơn 55 nghìn người.
Thời gian qua, Bắc Ninh đã có chỉ đạo kịp thời nhằm hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch. Tuy nhiên, việc hỗ trợ mới chỉ là những giải pháp mang tính tình thế, cung cấp lương thực thực phẩm cho người lao động. Chưa có giải pháp hỗ trợ tài chính cho người lao động bị ảnh hưởng thu nhập bởi dịch Covid-19; chưa có hướng dẫn mới về việc trả lương ngừng việc cho người lao động.
Căn cứ tình hình thực tiễn, Bắc Ninh đề xuất chính sách hỗ trợ tập trung vào các đối tượng là F0, F1, F2 và công nhân ở trong khu vực giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; hỗ trợ người lao động phải thuê nhà trọ, lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương; người bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nghỉ để cách ly y tế; hỗ trợ người lao động hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế trong thời gian nghỉ việc không lương.
Cụ thể: Đề nghị mức hỗ trợ một lần đối với người lao động bị nhiễm SARS-CoV-2 (F0) phải điều trị, người lao động có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 phải thực hiện cách ly y tế tập trung (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền 2.000.000 đồng/người; hỗ trợ một lần người lao động (không thuộc đối tượng F0, F1) làm việc theo hợp đồng lao động tại các DN, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đang thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn tỉnh phải thực hiện cách ly xã hội 1.000.000 đồng/người; hỗ trợ người lao động đang phải thuê nhà trọ, lao động nữ đang mang thai, lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi 500.000 đồng/người; người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đề nghị mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người. Đồng thời, có chính sách giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nghỉ việc để thực hiện cách ly y tế.
Đối với DN, đề nghị hỗ trợ vay vốn 0% để trả lương ngừng việc và trả lương cho người lao động; tiếp tục hỗ trợ DN tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất. Hiện nay, 317 DN trên địa bàn có nhu cầu vay vốn 0% để trả lương ngừng việc và trả lương cho người lao động.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh - ông Vương Quốc Tuấn - cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm có hướng dẫn cơ chế cho địa phương triển khai chính sách hỗ trợ kịp thời đến đối tượng là lao động tự do, lao động mùa vụ bị ảnh hưởng bởi dịch trên địa bàn tỉnh.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).