Bắc Ninh: Linh hoạt hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Mặc dù thị trường lao động không có nguy cơ đứt gãy, nhưng nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn lâm vào tình trạng thiếu lao động, do cần phải đáp ứng các đơn hàng những tháng cuối năm. Trong bối cảnh này, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với DN.

Nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Gần 2 tháng nay, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tăng cao. Tính từ đầu tháng 9/2021 đến nay, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh có 308 DN đăng ký tuyển dụng, với hơn 20 nghìn chỉ tiêu việc làm. Nhiều DN cần tuyển số lượng lao động lớn như: Tập đoàn Foxcom, Khu công nghiệp (KCN) Quế Võ cần 3.000 lao động, công ty TNHH ITM Semiconductor Việt Nam, KCN Vsip cần tới 5.000 lao động...

Nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp tăng cao

Theo ông Vũ Tiến Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh - Thị trường lao động tại Bắc Ninh không đứng trước nguy cơ đứt gãy nhưng bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch, nhiều đơn vị, DN vẫn lâm vào tình trạng thiếu lao động. Ước tính từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh sẽ thiếu từ 30 - 35 nghìn lao động, chủ yếu là lao động phổ thông, tập trung ở một số ngành nghề, lĩnh vực như điện tử, may mặc, thương mại...

Nhận định của chuyên gia, việc ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 kéo dài vừa qua cũng đã làm xáo trộn thị trường lao động. Bên cạnh đó, nhiều DN phải dồn sức để thực hiện những đơn hàng vì đã sắp hết năm. Đáng nói, các dự án đầu tư vào KCN của tỉnh Bắc Ninh vẫn tăng… khiến nguồn cung lao động càng đẩy lên.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 101 dự án, tổng vốn đăng ký 750,364 triệu USD. Trong đó, cấp 72 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký là 517,321 triệu USD; 29 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5.360,01 tỷ đồng tương đương 233,043 triệu USD. Ngoài ra, Ban Quản lý còn cấp 299 lượt Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, với tổng vốn đầu tư tăng thêm 215,994 triệu USD. Như vậy, tính tổng 10 tháng qua, tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh vào các KCN Bắc Ninh đạt 966,358 triệu USD, so với kế hoạch năm 2021 đạt tỷ lệ 101% dự án và 90,58% vốn đầu tư.

Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, người lao động

Khắc phục tình trạng này, bên cạnh duy trì hoạt động sàn giao dịch việc làm tất cả các ngày trong tuần, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến qua website, facebook, thư điện tử và điện thoại... Với những DN có nhu cầu tuyển dụng lớn, trung tâm sẽ giới thiệu người lao động xuống trực tiếp DN nhằm tiết kiệm thời gian, giảm thiểu khâu đi lại. Ngoài ra, trung tâm chủ động tham gia phiên giao dịch việc làm online kết nối với các tỉnh khu vực phía Bắc, liên tục cập nhật thông tin tuyển dụng của DN trên trang thông tin trong và ngoài tỉnh; đồng thời đề nghị DN đưa ra các chính sách hỗ trợ lao động tỉnh ngoài về Bắc Ninh làm việc như: Hỗ trợ chi phí đi lại, phí xét nghiệm Covid-19, chi phí cách ly, tăng lương, thưởng…

Để thị trường lao động hồi phục, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, tạo đà cho đơn vị, DN phát triển, nhiều nhóm giải pháp khác cũng được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai.

Điển hình là các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phê duyệt và giải ngân cho 33 DN vay số vốn gần 76 tỷ đồng để trả lương cho 19.512 lượt lao động, lãi suất 0%/ năm, thời hạn vay 11 tháng. Trong đó, 8 DN vay hơn 2,83 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 896 lượt lao động; 23 DN vay số tiền hơn 71,8 tỷ đồng để trả lương phục hồi sản xuất sau khi tạm dừng hoạt động cho 18.325 lượt lao động; 2 DN thuộc 5 lĩnh vực hoạt động chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 (vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng) được vay 1,140 tỷ đồng trả lương phục hồi sản xuất cho 291 lượt lao động.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh còn tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ vay vốn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động sớm được tiếp cận vốn, giúp giải quyết khó khăn do đại dịch Covid - 19 gây ra.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng đã hoàn thành việc rà soát và thông báo giảm tiền đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0% cho 5.815 đơn vị sử dụng lao động, hơn 370 nghìn lao động; tích cực phối hợp hỗ trợ người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến đơn vị sử dụng lao động, người lao động; rà soát, xét duyệt các hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động kịp thời, đúng quy định.

Thanh Tâm
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận