Bắc Giang - Tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực logistics

Bắc Giang là địa phương có tiềm năng lớn trong lĩnh vực logistics và địa phương này đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Sức hút nguồn vốn FDI của Bắc Giang đến từ đâu?Bắc Giang - Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo hành lang để thu hút đầu tư

Tiềm năng lớn của Bắc Giang

Bắc Giang có vị trí nằm trên hành lang kinh tế lớn nhất vùng: Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cao Bằng và nằm trong Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội (cách Thủ đô, sân bay Nội Bài 50 km); là cửa ngõ “kép” - cách biên giới Việt - Trung (Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - tỉnh Lạng Sơn) 110 km, cách Cảng biển quốc tế Hải Phòng, Quảng Ninh khoảng 140 km cộng với các hoạt động xuất, nhập khẩu, giao thương hàng hóa tại địa phương ngày càng sôi động là những điều kiện thuận lợi giúp tỉnh phát triển dịch vụ logistics.

Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, kết hợp với sự có mặt của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là hệ thống các FTA đã giúp hoạt động thương mại quốc tế của Bắc Giang phát triển rất mạnh, kim ngạch xuất, nhập khẩu liên tục gia tăng, thị trường được mở rộng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2023 đạt 52,4 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2022 và đứng thứ 6 cả nước.

Bắc Giang cũng là địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, hiện nay, tỉnh có vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc, với nhiều sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước biết đến. Một số mặt hàng đã xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Úc, Trung Quốc. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao tạo dư địa cho ngành dịch vụ logistics địa phương phát triển.

Bắc Giang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực logistics

Thời gian qua, một số DN trên địa bàn tỉnh và địa phương lân cận đã có hoạt động dịch vụ song chủ yếu chỉ được một công đoạn của logistics. Theo ông Lương Tiến Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, thị trường logistics Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng chủ yếu vẫn đóng vai trò là “vệ tinh” cho các công ty logistics nước ngoài. Các công việc chỉ đảm nhận một số dịch vụ đơn lẻ như làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi, nguồn nhân lực chưa chuyên nghiệp để đáp ứng cho ngành logistics.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành logistics, tỉnh Bắc Giang đã triển khai thực hiện nghiêm Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025. Quan tâm hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, nâng cao năng lực DN và chất lượng dịch vụ, phát triển thị trường dịch vụ logistics. Bắc Giang đã phê duyệt dự án hạ tầng, kho bãi trung tâm logistics quốc tế Bắc Giang trên quy mô hơn 66 ha. Tuy nhiên, đến nay dự án chậm tiến độ. Ngày 11/3/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản điều chỉnh dự án này về một số điểm như: Nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư (điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư) và tiến độ thực hiện dự án.

Dự án gồm các hạng mục như: Kho bãi và lưu giữ hàng hóa; dịch vụ dừng nghỉ ngắn ngày; hoạt động dịch vụ hỗ trợ thủ tục thanh toán, xuất nhập khẩu, hải quan. Theo đó, từ tháng 11/2023 đến tháng 12/2025 hoàn thành thủ tục về đất đai, xây dựng và xây dựng các hạng mục công trình theo quy hoạch chi tiết được duyệt; từ tháng 1/2026 đến tháng 1/2027 xây dựng các hạng mục còn lại của dự án và tháng 2/2027 hoàn thành, đưa dự án vào khai thác.

Được biết, để khai thác ga đường sắt liên vận quốc tế Kép (Lạng Giang), Chi cục Hải quan tỉnh đã thành lập đội nghiệp vụ hải quan tại đây; đồng thời tỉnh cũng quy hoạch dự án cảng cạn, khu logistics tại xã Hương Sơn (Lạng Giang). Đã có một số nhà đầu tư khảo sát tại khu vực này. Cùng đó, Bắc Giang quy hoạch 8 dự án khu dịch vụ tổng hợp, logistics ở thị xã Việt Yên, các huyện Hiệp Hòa, Lục Nam, Yên Dũng và TP Bắc Giang.

Bắc Giang đã có quy hoạch, quan tâm dành quỹ đất cho dự án logistics. Theo các chuyên gia, để phát triển được dịch vụ này cần lựa chọn thu hút nhà đầu tư có tiềm lực, sớm đưa các dự án vào khai thác; chính quyền tập trung giải phóng mặt bằng, đồng hành, tháo gỡ các vấn đề nảy sinh cho nhà đầu tư.

Cơ hội lớn từ sự vào cuộc của nhà đầu tư

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 636/QĐ-TTg ngày 12/7/2024 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Yên Lư (phần mở rộng) giai đoạn 1, tỉnh Bắc Giang. Theo Quyết định, Công ty cổ phần đầu tư Western Pacific là nhà đầu tư dự án.

KCN Yên Lư (phần mở rộng) có tính chất là KCN tổng hợp đa ngành, KCN công nghệ cao, công nghiệp không gây ô nhiễm. Trong đó thu hút các ngành công nghiệp theo định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh, cụ thể: Công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng; công nghiệp điện, điện tử, công nghệ thông tin; công nghiệp cơ khí, lắp ráp chế tạo máy, tự động hóa; các ngành công nghiệp có công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường như: công nghiệp tin học, phần mềm; công nghiệp chế biến sâu nông thủy sản, thực phẩm đồ uống; công nghiệp dược, thiết bị y tế, công nghiệp thủ công mỹ nghệ; công nghiệp hỗ trợ; Logistics, kho vận...

Đồng thời, trong cùng ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 635/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Văn V giai đoạn 1 (tại Hà Nam).

Đáng chú ý, chủ đầu tư của cả 2 dự án này đều là công ty con của Công ty CP Western Pacific.

Western Pacific Group là đơn vị tiên phong phát triển Cụm liên kết giữa Khu Công nghiệp và Logistics, là một hệ sinh thái khép kín bao gồm: khu công nghiệp, hệ thống cầu cảng, trung tâm phân phối, kho hàng không kéo dài, kho ngoại quan, kho kiểm soát nhiệt độ, khu nhà ở và hậu cần dành cho công nhân, chuyên gia, cùng các hoạt động vận hành Logistics chuyên nghiệp. Với sự đầu tư của Western Pacific, hy vọng thời gian tới, lĩnh vực logistics của Bắc Giang sẽ có cơ hội khởi sắc hơn.

Đặng Hiền
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận