Áp lực vốn cuối năm, doanh nghiệp tìm cách tiết giảm chi phí

Bước vào mùa cao điểm sản xuất với nhiều áp lực, các doanh nghiệp phải lên nhiều kế hoạch tiết giảm chi phí, xoay sở dòng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giấy phép sản xuất kinh doanh hóa chất lĩnh vực công nghiệp có thời hạn 5 nămHỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất: Ưu tiên những ngành tạo nhiều việc làmLãnh đạo Hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh: Truy quét hàng giả tại Saigon Square góp phần làm lành mạnh môi trường sản xuất kinh doanh

Khó chồng khó

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ khép lại năm 2022. Thời điểm này, các doanh nghiệp đang tăng tốc tích trữ nguyên liệu, đầu tư sản xuất, chạy “nước rút” để hoàn thành kế hoạch năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chuỗi cung ứng bất ổn định, nguồn vốn bị bó hẹp… khiến nhiều doanh nghiệp chật vật.

Hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, sản xuất mạch nha, đường glucose cho công nghiệp bánh kẹo thực phẩm và công nghiệp hàng tiêu dùng (miến, bún, phở khô), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Minh Dương Nguyễn Duy Hồng - cho biết: Hiện nay công ty đã nhận đủ đơn hàng hết quý 4. Số lượng đơn hàng trong quý tăng khoảng 20% so với quý 3. Tuy nhiên, năm nay hoạt động sản xuất đang gặp khó khăn do chi phí đầu vào đã tăng 7% so với mọi năm. Công ty đang cân đối lại các tất cả chi phí như, giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận tải, nhân công… để giữ giá đầu ra ổn định, giữ chân khách hàng.

Cùng với giá nguyên liệu đầu vào tăng, việc đồng ngoại tệ tăng giá, ngân hàng tăng lãi suất khiến nhiều doanh nghiệp trong tình trạng khó chồng khó.

Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean, cho biết ngoài đơn hàng sụt giảm sâu, cái khó của doanh nghiệp này hiện còn là hàng tồn kho lớn vì là đơn hàng xuất khẩu bán trực tiếp. Có những container quần áo bị kẹt ở cảng tại Đức, Mỹ đến 3 tháng mới lấy được hàng khiến bị lỗi mốt do qua mùa. Đồng thời thị trường sụt giảm nhanh so với dự báo khi sản xuất trước đó nên hàng không thể bán được. Dòng tiền thu về chậm song song với hạn mức tín dụng của ngân hàng cũng bị giảm xuống, lãi suất cũng tăng cao hơn trước khiến chi phí đầu vào của công ty liên tục tăng so với đầu năm. Hàng bán không được buộc phải giảm giá xuống dưới giá vốn nhưng vẫn không tiêu thụ được khi người mua hàng ở các nước như châu Âu, Mỹ đã thắt lưng buộc bụng.

Doanh nghiệp tìm cách xoay sở trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn

Tương tự, với doanh nghiệp đồ gỗ, ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc Công ty Hàng Việt (Viet Products), cho biết những tháng qua, lượng đơn hàng của công ty ở các thị trường Mỹ và châu Âu bị sụt giảm 40-50% do các quốc gia này lạm phát. Một số khách hàng gặp tình trạng hàng hóa tồn kho nhiều, kinh doanh ế ẩm nên chậm trễ trong việc thanh toán cho công ty. Tất cả những yếu tố này gộp lại khiến doanh nghiệp khó khăn về dòng vốn trong việc duy trì ổn định hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Một khó khăn khác, ông Sang chia sẻ, đó là ngân hàng hiện tại không giải ngân vốn vay và việc này sẽ diễn tiến đến hết năm 2022, nên doanh nghiệp lại khó chồng khó. Dù hạn mức tín dụng của công ty hiện vẫn còn đến 40% nhưng việc vay được tiền về để giải quyết công việc là không thể thực hiện. Thiếu hụt tài chính, không tiếp cận được các gói vay khiến không ít doanh nghiệp đánh mất cơ hội kinh doanh.

Tìm cách xoay xở dòng vốn, tiết giảm chi phí

Nhiều doanh nghiệp dự báo những tháng cuối năm tình hình thế giới lẫn trong nước đều sẽ khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, để phần nào ổn định sản xuất, bình ổn giá cả hàng hóa, đưa ra thị trường, các doanh nghiệp đã tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước, cắt giảm chi phí khấu hao không cần thiết, đồng thời ứng dụng công nghệ để có thể vừa tăng sản lượng, vừa giữ giá thành sản phẩm.

Ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Công ty Vissan cho biết, để có kinh phí chuẩn bị nguồn hàng hóa dự trữ, công ty phải soát xét lại tất cả các khoản chi phí, giảm chi phí tối đa. Đồng thời hy sinh lợi nhuận để chia sẻ khó khăn này với người tiêu dùng.

Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty XNK Thực phẩm Duy Anh cho biết, đơn vị đã làm việc với nhà cung cấp, tích trữ hơn 1.000 tấn gạo và nhập khẩu gần 500 tấn lúa mì để sản xuất bún khô, phở khô, bánh tráng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu dịp cuối năm, dự báo tăng khoảng 30%. Việc tích trữ nguyên liệu không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, mà còn là cơ sở để giữ và giảm giá thành sản phẩm.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tìm cách mở rộng cơ cấu sản phẩm, thay đổi về bao bì, nhãn mác, đi vào phân khúc thị trường bình dân. “Sản phẩm tung ra thị trường Tết năm nay, chúng tôi không đầu tư mạnh về bao bì như lọ thủy tinh, hộp thiếc “sơn son thiếp vàng” cầu kỳ như trước, mà thay bằng túi giấy, túi zip hút chân không… có giá bình dân hơn, phù hợp nhiều đối tượng khách hàng hơn. Tất nhiên, công ty vẫn có những thiết kế riêng theo yêu cầu khách hàng để làm quà biếu tặng cao cấp” - ông ông Lê Văn Thái, Giám đốc Công ty Thanh Thái nói.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu, thay vì chế biến sâu để mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp lựa chọn xuất khẩu sản phẩm thô. Điển hình như xuất quả chuối tươi, để nhanh chóng xoay vòng đồng vốn kinh doanh.

Hà Duyên
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận