Ai trả phí cho lòng tin?

Mới đây, nhiều hộ nông dân trồng ngô ở xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã mua sản phẩm thuốc diệt chuột nhãn hiệu RATK2%DP của Công ty Thanh Sơn Hóa Nông để diệt chuột trên đồng ruộng. Lạ thay, thuốc đã bị ăn hết nhưng người nông dân không phát hiện được xác con chuột nào?
\"\"
Ảnh minh họa

Tại những hang chuột quanh ruộng, bà con vẫn thấy chuột khỏe mạnh, “dạo chơi” trên những cánh đồng. Hậu quả thấy rõ: Bà con nông dân phải xuống giống lại đến 4 lần hoặc trồng sang loại cây khác. Những cây ngô còn sống dù đã trổ bông nhưng cũng bị chuột cắn đứt ngang cây hoặc cắn đứt bông.

Ngay sau đó, đại diện Công ty Thanh Sơn Hóa Nông phân trần: Trong suốt 17 năm hoạt động sản xuất, cung ứng sản phẩm cho bà con nông dân, đây là lần đầu tiên công ty gặp phải sự cố người nông dân dùng thuốc diệt chuột của công ty để bẫy chuột nhưng chuột không chết. Công ty có lời xin lỗi và hứa sẽ bồi thường số tiền ban đầu 45 triệu đồng.

Trước đó không lâu, câu chuyện nhiều hộ nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long rơi vào cảnh trắng tay, mất mùa lúa sau khi sử dụng sản phẩm của Công ty TNHH Hóa nông Lúa Vàng đã gây xôn xao dư luận.

Sử dụng bộ sản phẩm có 6 tác dụng đặc trị bệnh và 3 tác dụng dưỡng (giải pháp “9 trong 1”) sẽ có mùa vàng bội thu - là lời quảng cáo có cánh của công ty này. Trên thực tế, chỉ 2 ngày sau khi phun, phần lúa tiếp xúc với thuốc chuyển màu bất thường và sau 7 ngày, lúa bị lép hạt gần hết, úng cổ bông và lụi tàn dần. Ngoài ra, vụ lúa đông xuân 2013 - 2014, nhiều hộ dân ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang bị mất mùa do sử dụng sản phẩm “9 trong 1” của Công ty Lúa Vàng. Hàng trăm hộ dân ở Vĩnh Long và Trà Vinh cũng rơi vào cảnh trắng tay, buộc họ gửi đơn khiếu nại, đòi Công ty Lúa Vàng bồi thường thiệt hại.

Cả năm vất vả cấy cày, chăm bón, đến khi thu hoạch, nhiều nông dân ngỡ ngàng khi lúa không kết hạt hay đau xót nhìn chuột tàn phá đồng ruộng, bị “đánh” thuốc không chết. Thiệt hại quá lớn!

Câu chuyện không mới, đã xảy ra nhiều lần, trong nhiều năm, ở nhiều nơi, nhưng chưa thấy có một biện pháp xử lý nào thực sự mang tính răn đe để hiện tượng trên không tái diễn?

Bồi thường có thể giải quyết được thiệt hại, nhưng tiền nào có thể mua lại được lòng tin của người nông dân dành cho sản phẩm, cho doanh nghiệp và cho chính cơ quan cấp phép sản phẩm?   

Nguyễn Phượng
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận