65 năm Trận Điện Biên Phủ: Những bí ẩn được giải mã

Tròn 65 năm, người Pháp đã tốn không ít giấy mực để tranh cãi về nguyên nhân dẫn đến thất bại tại Điện Biên Phủ. Nhân dịp này, trong lần ra ấn bản tiếng Việt cuốn sách với tên gọi “Điện Biên Phủ: 13/3- 7/5/1954”, tác giả Ivan Cadeau có dịp chia sẻ với độc giả Việt Nam nhiều hồ sơ mà cách đây không lâu vẫn còn là bí mật quốc gia ngay chính với người Pháp.

Tiến sĩ Ivan Cadeau là nhà sử học chuyên nghiên cứu chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương. Ông đồng thời là sĩ quan giảng dạy ở nhiều đơn vị thuộc bộ binh, được phân công công tác tại Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp; là Phó Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử quân đội. Ivan Cadeau bảo vệ luận án về vũ khí của công binh trong chiến tranh Đông Dương.

\"65
Dân công tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Cuốn “Điện Biên Phủ: 13/3- 7/5/1954” mà ông là tác giả được Nhà xuất bản Tallandier ấn hành tháng 1/2013. Cuốn sách gồm 6 chương: Chương 1 - “Một lối thoát danh dự”; Chương 2 - Chiến dịch mùa thu 1953; Chương 3 - Bản Kéo, Him Lam, Độc Lập và các căn cứ khác; Chương 4 - \"Đó là cho ngày mai\"; Chương 5 - Khủng hoảng tinh thần; Chương 6 - Trận chiến của năm ngọn đồi; Chương 7 - \"Tạm biệt ông già\" (đây là biệt danh của tướng Pháp De Castries - người chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ).

Cuốn sách là tập hợp những tài liệu lưu trữ của Pháp về sự kiện Điện Biên Phủ và cuộc chiến tranh tại Đông Dương. Trong đó có những thông tin, hồi ký từ nhiều nhân chứng lịch sử chưa từng công bố tại Việt Nam. Ngoài những tài liệu lưu trữ và hồi ký chưa được công bố, trong cuốn sách, Ivan Cadeau còn đề cập đến một thực tế khác của sự kiện quan trọng này, trong đó có nhiều vấn đề còn được tranh luận cho đến ngày nay.

\"65
Tiến sĩ Ivan Cadeau - tác giả cuốn sách “Điện Biên Phủ: 13/3-7/5/1954”

Cuốn sách dẫn người đọc đến với một trong những bí mật quốc gia lớn nhất của Pháp trong thế kỷ XX. Đó là việc thảm bại khó tin tại Điện Biên Phủ đã buộc chính quyền Pháp phải thành lập một Ủy ban điều tra vào ngày 31/3/1955. Mọi thông tin về Ủy ban này bao gồm 22 cuộc điều trần và những kết luận cuối cùng đã được giữ kín ở mức “tuyệt mật” trong vòng 50 năm và chỉ được giải mật vào năm 2005. Tuy thế cho đến nay, rất ít người Pháp, ngay cả đến những cựu tướng lĩnh khi xưa, biết đến sự tồn tại và những kết luận của Ủy ban này.

Tiến sĩ Ivan Cadeau chính là tác giả đề tài nghiên cứu về Ủy ban này. Ông cho biết, Chủ tịch Ủy ban điều tra là tướng Catroux và các thành viên đều là những nhân vật cao cấp trong quân đội Pháp, có quyền hành tối cao, được phép tiếp xúc với tất cả các tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Pháp và tiến hành điều trần chi tiết với từng nhân vật lãnh đạo chính của trận Điện Biên Phủ.

Kết luận của Ủy ban điều tra đã đề cập đến gần như mọi chi tiết của cuộc chiến, từ các sai lầm chiến thuật, các mâu thuẫn cá nhân, sai lầm chính trị… Và cũng vì thế, những kết luận của Ủy ban đã không được công khai trong suốt 50 năm.

Tác giả Ivan Cadeau chia sẻ, với địa hình ở Điện Biên Phủ và sức mạnh của quân Việt Minh, phía Pháp đã dự tính được là sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng cho rằng, khó khăn đó không đủ để họ thất bại. Phía Pháp cũng không bất ngờ trước việc Việt Minh thay đổi kế hoạch tấn công vì các tin tình báo của Pháp cũng có. Tuy nhiên, với tương quan lực lượng thì kết quả như sau này tất yếu phải đến.

\"65
Bìa cuốn sách bằng tiếng Pháp

Liên quan đến hai chỉ huy cao cấp của quân đội Pháp khi đó là tướng Cogny và Navarre, tướng Cogny bị chỉ trích mạnh nhất là về mặt tư duy chiến thuật, nhất là cấp sư đoàn. Nhưng tướng Cogny cũng có những quan hệ rất mật thiết trong giới chính trị nên ông cũng không bị trừng phạt gì vì rốt cục, ông cũng không phải là người đứng đầu chịu trách nhiệm cho thất bại ở Điện Biên Phủ.

Còn tướng Navarre, sau thất bại ở Điện Biên Phủ, nếu ông ta chấp nhận “luật chơi” khi đó thì có thể ông sẽ bị đình chỉ chức vụ trong vài tháng rồi sau đó người ta sẽ trao lại cho ông chức tư lệnh ở một nơi khác. Nhưng tướng Navarre không chấp nhận điều đó, ông rất quyết liệt, muốn người này hay người kia phải thừa nhận sai lầm. Đó là lý do sau này ông viết hai cuốn sách về Điện Biên Phủ để công bố sự thật.

Với tướng De Castries, kết luận mà tác giả cuốn sách có được là rất rõ ràng. Dù có lúc này, lúc khác tướng De Castries có phạm phải sai lầm, nhưng Ủy ban kết luận, nếu là một người khác thay tướng De Castries thì cũng không thể làm tốt hơn. Những sai lầm của tướng De Castries không có tác động lớn và cũng khó thay đổi được kết cục của cuộc chiến.

Tiến sĩ Ivan Cadeau: “Chiến tranh đã đi qua và giữa Pháp với Việt Nam, không phải chỉ có những từ ngữ về chiến tranh mà còn có cả những di sản chung. Một trận đánh lớn như Điện Biên Phủ từng làm hai nước Pháp và Việt Nam xa nhau và giờ lại kéo hai nước về gần nhau”
Quang Lộc
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận